Siu Thưm – Người đam mê truyền lửa

Cập nhật 08/9/2016, 16:09:58

Ngoài cồng chiêng, cộng đồng các dân tộc bản địa ở Gia Lai còn lưu giữ rất nhiều loại nhạc cụ khác không kém phần độc đáo và đặc sắc như đàn T’rưng, đàn Klông Pút, Sáo…. Để lớp trẻ của dân tộc mình không quay lưng với văn hóa truyền thống, không quản ngại khó khăn, đều đặn mỗi ngày anh Siu Thưm ở làng Róh thành phố Pleiku đều tận tụy với việc truyền dạy những loại nhạc cụ này cho các em nhỏ.

8-9-naythwm

Hơn một năm nay, cứ vào mỗi buổi chiều, những em nhỏ ở làng Róh, thành phố Pleiku lại tập trung về ngôi nhà của anh Siu Thưm. Có em đang bập bẹ với những thang âm đầu tiên, em thì say sưa theo những thanh âm trầm bổng của tiếng đàn T’Rưng, em lại cháy hết mình với đàn Klông Pút, có em lại nhẹ nhàng thả mình theo điệu nhạc du dương của tiếng sáo… tất cả tạo nên một bản hòa âm đầy hứng khởi cả một góc làng.

Em Puih H’Ly, làng Róh, Tp.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Chiều nào em cũng đến đây để tập đàn T’rưng hết. Chú Thưm dạy nhiệt tình lắm mà lại không lấy tiền. Em sẽ cố gắng học thật tốt để mai này được đi biểu diễn đàn T’rưng ở những hội thi, hội diễn”.

Em Rơ Cơm Phúc, làng Róh, Tp.Pleiku, Gia Lai cũng nói: “Được học đàn K’lông Pút em rất thích. Chú Thưm chỉ cũng nhiệt tình nên em cũng biết được một ít. Em sẽ cố gắng học thật tốt để chỉ lại cho những bạn chưa biết”.

Những ngày đầu gây dựng lớp nhạc này, dù tận tình hướng dẫn các em nhỏ nhưng anh Siu Thưm vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn bởi nhiều phụ huynh không nhiệt tình cho con em mình đến với lớp. Nhưng mưa dầm thấm lâu, bằng lòng đam mê và nhiệt huyết, anh đã đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em mình theo học các loại nhạc cụ, để qua đó góp phần lưu giữ lại những âm thanh đầy quyến rũ của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên. Đến nay, lớp học này đã có trên 30 em nhỏ từ 8 đến 14 tuổi theo học các nhạc cụ như cồng chiêng, đàn T’rưng, đàn Klông Pút, Sáo…

Anh Siu Thưm, làng Róh, Tp.Pleiku, Gia Lai chia sẻ: ‘Niềm hạnh phúc lớn nhất của mình là được truyền lại cho các em nhỏ những gì mình biết về các loại nhạc cụ của người Tây Nguyên. Nhìn thấy các em say sưa học tập mình cảm thấy mãn nguyện, vì những giá trị văn hóa truyền thống sẽ không bị mất đi. Nếu mất đi thì tiếc lắm”.

Để thanh âm các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên nói chung, ở Gia Lai nói riêng được ngân xa trên mảnh đất đại ngàn, trong tương lai sẽ cần rất nhiều người như anh Siu Thưm. Bởi có một thực tế cho thấy, ở nơi nào có những người giàu đam mê và đầy nhiệt huyết, ở nơi đó những giá trị văn hóa truyền thống sẽ không bị mất đi, mà nó sẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác./.

Vân Anh, Ksor Tuối

 

 


Lượt xem: 72

Trả lời