Quốc hội thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi)

Cập nhật 14/11/2022, 17:11:44

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều nay (14/11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập hiện hành trong quản lý, sử dụng đất đai và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa đất nước phát triển có thu nhập cao. Đóng góp ý kiến thảo luận xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu đã nêu quan điểm về nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai. Trong đó, vấn đề liên quan đến công tác thu hồi đất nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu. Nhiều ý kiến cho rằng, trong việc thu hồi đất, Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của 3 bên: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, trong đó, cần quan tâm hơn đến người dân bị thu hồi đất, vì họ ở thế bị động. Cùng với đó, cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư để người dân bị thu hồi đất không bị thiệt thòi. Đồng thời, rà soát, đánh giá lại các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật hiện hành xem còn phù hợp hay không. Với những trường hợp mới bổ sung, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý thêm về cơ chế phát triển quỹ đất, chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; thời hạn sử dụng đất nông nghiệp; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; đề nghị bổ sung nguyên tắc, khuyến khích người sử dụng đất đa mục đích… Qua thảo luận cho thấy, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện hành, khắc phục những phân tán trong hệ thống pháp luật về giá, đảm bảo khả thi, đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế và hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Trong phiên làm việc chiều nay, đại biểu tham gia Kỳ họp đã biểu quyết điện tử thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với tỉ lệ tán thành cao. Trước đó, trong sáng nay, các Luật Thanh tra (sửa đổi), Dầu khí (sửa đổi) cũng đã được các đại biểu biểu quyết chính thức thông qua.

   BT: Ngọc Hà


Lượt xem: 9

Trả lời