Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số dự án luật và dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025

Cập nhật 10/1/2022, 17:01:53

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, hôm nay (10/1), dưới dự điều hành của  Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu đã thảo luận trực tuyến về một số dự án luật và Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tham dự phiên họp tại đầu cầu tỉnh Gia Lai có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Châu Ngọc Tuấn; các vị ĐBQH tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

 Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là vấn đề thu hút được nhiều ý kiến tham gia góp ý, tranh luận của các đại biểu trong chiều nay. Dự án gồm các tuyến nối từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, từ Quảng Ngãi đến Nha Trang và từ Cần Thơ đến Cà Mau, có tổng chiều dài khoảng 729km, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập với tổng nguồn vốn lên tới 147.000 tỷ đồng. Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cao với tính cấp thiết và bày tỏ những kỳ vọng khi triển khai dự án nhằm tạo sự kết nối và lan tỏa về phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế-xã hội của các địa phương nói riêng và đất nước nói chung phát triển. Đồng tình với việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 toàn bộ bằng vốn đầu tư công, các đại biểu đề nghị cần tính toán kỹ nguồn lực và khả năng huy động vốn thực hiện. Các đại biểu đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Trong đó, cần thực hiện công tác tái định cư trước để các hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án sớm ổn định nơi ở và cuộc sống, sinh hoạt; đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công, tránh thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư dự án hết sức quan trọng này. Để đảm bảo tiến độ thi công dự án, một số đại biểu đề xuất cần phải có cơ chế đặc thù trong thực hiện các thủ tục đầu tư; đồng thời sớm có phương án phù hợp để thu hồi vốn…

Trước đó trong sáng nay, các đại biểu đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Qua thảo luận các đại biểu đều thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các luật trên. Việc xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ và sự chủ động, năng động của Quốc hội nhằm đảm bảo tính kịp thời, tinh thần đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, vì lợi ích của đất nước, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Đối với dự án Luật đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, một số đại biểu nhấn mạnh tính cần thiết của việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các địa phương đối với dự án ODA. Các đại biểu cho rằng: Đây là lĩnh vực còn nhiều vướng mắc, do vậy đề nghị khi triển khai Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Các đại biểu cũng đề xuất nên tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và dự án đầu tư chung nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải trong quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư. Liên quan đến dự án Luật Điện lực, một số đại biểu băn khoăn về quyền đấu nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia và khả năng tham gia vào lĩnh vực này của doanh nghiệp tư nhân. Đại biểu đề nghị cần phân định rõ lĩnh vực, quy mô lưới điện nào tư nhân được đầu tư, xã hội hóa, lĩnh vực lưới điện nào thì Nhà nước đầu tư để đảm bảo công tác quản lý trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với dự án Luật Thi hành án dân sự, các đại biểu cho rằng: Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, luật cần quy định cụ thể thời gian thực hiện; bên cạnh đó cần quy định rõ trình tự, thủ tục ủy thác thi hành án đối với các tài sản ở nhiều địa phương khác nhau để khi triển khai được thuận lợi và thống nhất…

Ngày mai (11/1) là ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Theo chương trình làm việc, chiều mai, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua các dự án luật và nghị quyết. Thông tin chi tiết về phiên bế mạc kỳ họp, chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị và các bạn trong bản tin tiếp theo./.

Thiên Thanh,  R’Piên


Lượt xem: 11

Trả lời