Quảng trường Đại Đoàn Kết là niềm tự hào, là “trái tim” để mỗi người con Gia Lai luôn hướng về

Cập nhật 17/3/2023, 18:03:11

Quảng trường Đại Đoàn Kết tại TP. Pleiku đang góp phần mang hình ảnh vùng đất Gia Lai anh dũng, kiên cường; con người Gia Lai hiền hòa, mến khách đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước; trở thành niềm tự hào, là “trái tim” để mỗi người con Phố núi đều hướng về; đó là khẳng định của các đại biểu dự Tọa đàm Kỷ niệm 10 năm công trình Quảng trường Đại Đoàn Kết khánh thành, đưa vào sử dụng và trao Bằng công nhận di tích cấp tỉnh được UBND tỉnh Gia Lai tổ chức vào sáng ngày 17/03. Tham dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Sơn Nhin – Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của tỉnh.

Thể theo nguyện vọng vọng tha thiết của đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung và được sự đồng ý của Bộ Chính trị, ngày 3 tháng 10 năm 2010, quần thể công trình Quảng trường Đại Đoàn Kết được khởi công xây dựng tại trung tâm thành phố Pleiku. Ngày 09/12/2012, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên cùng các hạng mục của công trình Quảng trường Đại Đoàn Kết đã được khánh thành trong niềm vui, niềm vinh dự, tự hào to lớn của người dân Gia Lai. Công trình có tổng diện tích 10,6 ha với nhiều hạng mục quan trọng, như: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, sân, dàn cồng chiêng, mô hình núi Hàm Rồng, hồ phun nước nghệ thuật, cột cờ, thạch thư, tháp đá đoàn kết, hồ sen, nơi thờ Bác Hồ, vườn cây… Đây là công trình xác lập nhiều kỷ lục: Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận là quảng trường có “Tượng Bác Hồ bằng đồng lớn nhất”, “Bộ cồng chiêng lớn nhất”, “Bức phù điêu bằng đá lớn nhất”…

Từ khi được khánh thành đến nay, Quảng trường Đại Đoàn Kết đã trở thành nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế- xã hội quan trọng của tỉnh, của khu vực; là địa điểm vui chơi, giải trí của nhân dân; là công trình góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Gia Lai.

Phát biểu khai mạc chương trình Tọa đàm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh: Sự hình thành Quảng trường Đại Đoàn Kết không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, giá trị về mặt kiến trúc xây dựng mà còn là biểu tượng của sự phát triển văn hoá – xã hội của tỉnh Gia Lai.

Đồng chí Trương Hải Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi tọa đàm

Đồng chí Trương Hải Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: “Với vai trò là một công trình phục vụ cộng đồng, mỗi hạng mục được xây dựng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết đều mang trong mình các ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Đại Đoàn Kết là công trình văn hóa tiêu biểu của đồng bào Tây Nguyên, là nơi lưu giữ tình cảm sâu đậm của Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc. Việc xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai còn có ý nghĩa nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước truyền thống đoàn kết, phấn đấu xây dựng cuộc sống mới, xây dựng quê hương vững mạnh, giàu đẹp theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đây là danh lam thắng cảnh, công trình tiêu biểu, điểm nhấn quan trọng đối với du lịch địa phương; là địa điểm vui chơi, giải trí của đông đảo quần chúng Nhân dân, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.”

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Trần Ngọc Nhung – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau 10 năm hoàn thành và đưa vào sử dụng, Quảng trường Đại Đoàn Kết đã đón trên 2,5 triệu lượt khách đến tham quan. Đây là nơi diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế lớn của tỉnh và là một điểm đến trong nhiều tour du lịch của tỉnh Gia Lai. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác duy tu, bảo dưỡng, chăm sóc các hạng mục trong khuôn viên Quảng trường nhằm bảo đảm tính thẩm mỹ cho công trình quan trọng bậc nhất của tỉnh và khu vực.

Trong khuôn khổ của chương trình tọa đàm, các đại biểu tham dự, trong đó có các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh đã cùng ôn lại kỷ niệm về những năm tháng cả hệ thống chính trị cùng Nhân dân nỗ lực, tâm huyết, quyết tâm đưa Bác Hồ về với người dân Tây Nguyên. Đồng thời chia sẻ tâm tư, ý kiến đóng góp nhằm tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị quý báu của công trình Quảng trường Đại Đoàn Kết trong thời gian đến để phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Đồng chí Hà Sơn Nhin – Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nói: “Chúng ta đã khai thác tốt rồi, quản lý tốt rồi. Trong thời gian tới, cần làm tốt hơn nữa, không chỉ là thu hút du lịch, giáo dục truyền thống. Làm sao giữ được một công trình lớn, nằm trong lòng thành phố, “trái tim” của Gia Lai để con cháu mãi mãi về sau được hưởng thụ công trình ý nghĩa này.”

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Ngoài khu vực trung tâm là Tượng đài Bác Hồ, Quảng trường Đại Đoàn Kết còn có những điểm nhấn đặc sắc mà không có quảng trường nào ở những địa phương khác có được. Giá trị của tất cả các công trình rất ý nghĩa, xứng đáng là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo các ngành hữu quan của tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy những giá trị đặc biệt của công trình Quảng trường Đại Đoàn Kết.

Đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi tạo đàm

Đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu: “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải quan tâm đến việc chăm sóc, bảo dưỡng, trùng tu các hạng mục trong công trình Quảng trường Đại Đoàn Kết, từ tượng Bác đến tất cả các hạng mục khác. Làm thế nào để phát huy giá trị, bổ sung hiện vật, đồng bộ tất cả các hạng mục trong công trình để đây luôn là điểm đến hấp dẫn đối với Nhân dân và du khách; là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của tỉnh.”

 Trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học về Quảng trường Đại Đoàn Kết, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long mong muốn thời gian tới, tỉnh vẫn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp để Công trình tiếp tục được hoàn thiện và phát huy vai trò, giá trị trong cộng đồng; trở thành địa điểm sinh hoạt chính trị, văn hóa quan trọng của tỉnh nhà và là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với Gia Lai.

Đồng chí Trương Hải Long –  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “10 năm đã qua, nhìn lại chặng đường không phải là quá dài nhưng cũng không ngắn cho sự tồn tại của một công trình trong lòng công chúng. Có thể nói, Quảng trường Đại Đoàn Kết đã làm tròn vai trò của một thiết chế văn hóa trung tâm trong đô thị. Cùng với sự phát triển du lịch tỉnh nhà trong thời gian gần đây và tương lai, tôi tin chắc rằng, Quảng trường Đại Đoàn Kết sẽ góp phần không nhỏ mang hình ảnh miền đất Gia Lai anh dũng kiên cường, con người Gia Lai hiền hòa, mến khách đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước; trở thành niềm tự hào, là “trái tim” để mỗi người con phố núi đều hướng về.  Hy vọng tại Tọa đàm 15 năm, 20 năm và nhiều năm sau nữa, các giá trị của công trình Quảng trường Đại Đoàn Kết sẽ ngày càng được tô đậm, để mỗi người dân Gia Lai thêm tự hào về mảnh đất quê hương thân yêu của mình.”

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã trao Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh Quảng trường Đại Đoàn Kết.


Lượt xem: 14

Trả lời