Quảng trường Đại Đoàn Kết – Công trình văn hóa tiêu biểu

Cập nhật 12/3/2023, 07:03:17

Được khánh thành và đi vào hoạt động đến nay đã tròn 10 năm, Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku là công trình mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đối với Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Một trong những ý nghĩa và giá trị mà công trình này mang lại có thể kể đến là những đặc trưng về chiều sâu văn hóa dựa trên sự kết hợp đầy tinh tế của những cụm kiến trúc trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết.

Ngay từ tên gọi, cái tên Quảng trường Đại Đoàn Kết đã ẩn chứa trong nó nhiều ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn với các giá trị văn hóa – lịch sử của vùng đất cao nguyên bazan đầy nắng gió. Trong khuôn viên Quảng trường, khối đá bazan hình trụ này gồm 54 khối đá, tạo thành tháp đá 3 lớp cao dần, tượng trưng cho 54 dân tộc từ lâu đã trở thành một biểu tượng bất biến cho sự đoàn kết, đồng lòng, yêu thương nhau của Nhân dân các dân tộc trên dải đất hình chữ S.

Ông Hà Tân Tiến – Phường Tây Sơn, thành phố Pleiku phấn khởi nói: “Tôi là người dân, thường xuyên ra Quảng trường Đại Đoàn Kết này để tập thể dục, vui chơi và đồng thời là để thấy được cái giá trị văn hóa của Quảng trường này được thể hiện đặc trưng nhất là ở 54 khối đá, đó là đặc trưng cho tinh thần đại đoàn kết của 54 dân tộc trong cả nước. Đã đoàn kết thì nhất quyết sẽ thành công”.

Điểm nổi bật nhất của Quảng trường Đại Đoàn Kết chắc chắn là công trình tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được đặt ngay trung tâm Quảng trường. Hình ảnh Bác Hồ đứng uy nghiêm, hiền hòa, vẫy tay chào đón đồng bào đến từ khắp mọi miền Tổ quốc sẽ mãi là biểu tượng bất diệt, khoảnh khắc thiêng liêng và niềm tự hào của tất cả người dân Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Thạc sỹ Nguyễn Quang Tuệ – Trưởng Phòng Quản lí Văn hóa, Sở VH – TT & DL Gia Lai trao đổi: “Có rất nhiều người dân Tây Nguyên, đặc biệt là thế hệ trẻ người ta nghe nói nhiều về Bác Hồ, về tình cảm của người dân Tây Nguyên đối với Bác, nhưng có lẽ khi đặt chân lên Pleiku, đặt chân lên Quảng trường này và thấy hình tượng Bác Hồ sừng sững đấy thì tình cảm đó càng được thêm củng cố và người ta hiểu Bác Hồ là người giản dị, gần gũi. Điều đó sẽ thôi thúc họ tiếp tục sống tốt, cống hiến cho cuộc sống bây giờ”.

Quảng trường Đại Đoàn Kết gồm các hạng mục: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, dàn cồng chiêng ở 2 bên Tượng đài Bác Hồ, mô hình núi Hàm Rồng, bể phun nước, cột cờ, sân, thạch thư, tháp đá, hòn đá mã não, hồ sen, nơi thờ Bác Hồ… Ngoài ra, quần thể có trên 2 ngàn cây xanh và 205 ô cỏ. Suốt mười năm qua, Quảng trường Đại Đoàn Kết không chỉ là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa mang tầm quốc gia và của tỉnh Gia Lai, mà đây còn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách thập phương.

Chị Nguyễn Minh Phương – Du khách Thủ đô Hà Nội bày tỏ: “Quảng Trường 2 bên đây là 2 dàn cồng chiêng rất là lớn và nó là đặc trưng của Tây Nguyên cho nên là khách du lịch như chúng tôi rất háo hức đến đây để chụp ảnh 2 dàn cồng chiêng lớn nhất này. Phải nói nó là một dàn cồng chiêng rất là đẹp. Xin cảm ơn Tây Nguyên đã mang một nét hồn văn hóa để người dân cả nước được biết đến”.

Theo dòng chảy của thời gian, Quảng trường Đại Đoàn Kết đã và sẽ luôn là điểm đến mang giá trị lịch sử và tinh thần quý báu cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Gia Lai nói riêng và toàn thể dân tộc Tây Nguyên nói chung. Ngoài ý nghĩa về lịch sử văn hóa, Quảng trường Đại Đoàn Kết còn là nơi kết tinh tư tưởng của dân tộc cũng như góp phần giáo dục về truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc ta cho thế hệ trẻ hôm nay./.

Quốc Linh – Phi Long


Lượt xem: 7

Trả lời