Phục dựng Lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Chư Mố

Cập nhật 11/6/2019, 08:06:22

Mừng lúa mới là phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trước đây, theo chu kỳ canh tác của cây lúa, sau khi thu hoạch xong, đồng bào Tây Nguyên thường tổ chức nghi lễ mừng lúa mới, vừa để tạ ơn Giàng và các vị thần linh đã ban cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ, đồng thời cũng là dịp bà con dân làng chung vui hưởng thành quả công sức lao động… Đây là lễ nghi mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là bản sắc văn hóa độc đáo và cũng là một trong những lễ hội lớn hàng năm của 2 tộc người Jrai và Bahnar ở tỉnh Gia Lai. Với mong muốn bảo tồn và phát huy nét văn hoá đặc sắc đó, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp Phòng Văn hóa-Thông tin, Trung tâm VHTT và TT huyện Ia Pa tổ chức phục dựng Lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa. Chúng ta cùng đến với nghi lễ này để hòa mình vào không gian của lễ hội, của tiếng cồng chiêng…

Theo quan niệm của người Jrai, địa điểm diễn ra Lễ mừng lúa mới, có thể được tổ chức ở nương, rẫy, kho lúa, hộ gia đình, hay trong một khoảng không gian làng… Trình tự nghi lễ gồm: Giữ hồn lúa tại rẫy; đưa hồn lúa về chòi; nhập hồn lúa vào bồ, trong đó bao gồm cả lễ ăn cơm mới…

Sau khi tổ chức xong phần lễ, bước vào phần hội, tiếng cồng chiêng được tấu lên, mọi người tay trong tay hòa nhịp trong điệu xoang uyển chuyển, chủ khách cùng vít cần rượu và chúc nhau mùa tới lúa đầy bồ, đầy kho, cuộc sống ngày thêm sung túc, ấm no… Theo quan niệm của người Jrai: Việc tổ chức Lễ mừng lúa mới lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng thu hoạch nhiều hay ít của từng gia đình, và tùy theo điều kiện kinh tế của gia chủ có vật hiến sinh mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày… Đây cũng là dịp gia chủ mời bà con, họ hàng, bạn bè trong vùng cùng vui chơi, ăn uống, ca hát, cùng nhau hưởng thành quả lao động…

Già làng Ksor Nai, xã Chư Mố, huyện Ia Pa cho biết: “So với các bước cúng truyền thống hôm nay làm được như vậy cũng đáp ứng được cơ bản rồi. Bà con thì ai cũng vui, mình mừng thành quả lao động mà… do đó, nghi lễ này rất quan trọng với người Jrai”.

Chương trình tái hiện, phục dựng Lễ mừng lúa mới của người Jrai ở xã Chư Mố đã thu hút khá đông bà con trong vùng đến tham gia… Điều đáng ghi nhận trong cách thức tổ chức, đó là đã quan tâm và hướng về chủ thể người dân… với mong muốn làm sao chuyển tải thông điệp và đưa mọi người trở về với không gian của lễ hội, với bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình…

Già làng Rmah Nô, xã Chư Mố, huyện Ia Pa vui vẻ nói: “Hôm nay được tham gia vào đội cồng chiêng và múa xoang, mừng lắm, vì đây là những bài chiêng cổ xưa, thường lễ hội mới được trình diễn, bài chiêng này nói về lễ mừng lúa mới, mừng sức khỏe của người Jrai”.

Ông Đặng Công Hưng – Trưởng phòng Văn hóa, Văn nghệ, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho biết: “Chúng tôi chọn xã này vì đây là địa bàn có nhiều lễ hội, và rất đặc sắc. Nghệ nhân chúng tôi cũng chọn rất kỹ, toàn những người lớn tuổi và có kinh nghiệm nên trình diễn rất hay. Tất cả mọi quy trình chuẩn bị cho đến tổ chức chúng tôi đều tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm làm sao phục dựng cho hay nhất, gần với bản sắc văn hóa của đồng bào”.

Ông Ksor Thất, xã Chư Mố, huyện Ia Pa chia sẻ: “Về lễ hội thì người Jrai có rất nhiều, tôi nghĩ đây là nghi lễ tín ngưỡng thể hiện rất rõ tính cộng đồng của người Jrai và điều đáng mừng là nó vẫn đang được truyền trao kế thừa qua những hoạt động như thế này”.

 Song Nguyễn, Ksor Tuối


Lượt xem: 290

Trả lời