Phòng ngừa mía cháy cao điểm mùa khô

Cập nhật 11/3/2024, 10:03:11

Nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang bước vào cao điểm thu hoạch mía niên vụ 2023-2024. Vui mừng vì mía năm nay được mùa, được giá; song bà con nông dân cũng hết sức lo lắng bởi tình trạng cháy mía có thể xảy ra bất cứ lúc nào do nắng nóng tiếp tục kéo dài. Chủ động phòng, chống mía cháy đang được các nhà máy, chính quyền địa phương và bà con nông dân cộng đồng trách nhiệm cùng thực hiện.

Gần 1 tháng trở lại đây, tại các địa phương phía Đông tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra tình trạng mía cháy. Bước đầu, theo tổng hợp từ Nhà máy Đường An Khê, toàn vùng nguyên liệu đã có hơn 15 ha mía bị cháy; tập trung tại các huyện: Kông Chro, Đak Pơ, Kbang và thị xã An Khê.

Ông Nguyễn Hoàng Phước – Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết: “Khi xảy ra diện tích mía cháy thì nhà máy cùng chính quyền địa phương, bà con nông dân tập trung thu hoạch nhanh để chở về nhà máy trong thời gian sớm nhất. Dù đây là điều không mong muốn xảy ra, song vì rủi ro nên nhà máy mua giá mía cháy thấp hơn giá mía thịt 100 nghìn đồng/1 tấn, tạo điều kiện để giúp cho bà con yên tâm. Lợi nhuận của người trồng mía trên diện tích mía cháy vẫn ổn định ở 25 đến 30 triệu đồng/1ha với năng suất mía hiện nay ổn định trung bình toàn vùng là 78 tấn/1ha.”

Nhà máy Đường An Khê đã tổ chức nhiều cuộc họp với các địa phương, hộ trồng mía vùng nguyên liệu phía Đông của tỉnh Gia Lai nhằm chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa cháy mía trong giai đoạn cao điểm nắng nóng hiện nay.

Ông Trần Văn Tuấn – Xã Nghĩa An, huyện Kbang nói: “Hộ nhà dân của tôi thì hiện còn khoảng 3.200 tấn mía nữa. Trong thời điểm nắng nóng hiện nay thì những vùng khô hạn, phân luồng ra, vùng mía xuống lá là thu hoạch trước. Những vùng ẩm, khó cháy mía thì để lại thu hoạch sau.”

Ông Nguyễn Hoàng Phước – Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết: “Tập trung thu hoạch để hạn chế mía cháy. Đồng thời tuyên truyền bà con khi đốt rác, đốt rẫy là phải hết sức cẩn thận, giữ vùng mía cho bà con mình và cho mình.”

Ông Trần Văn Đấu – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kông Chro trao đổi: “Tuyên truyền bà con nâng cao nhận thức trong phòng, chống cháy mía, tuyệt đối không mang chất dễ cháy vào vùng mía. Bên cạnh đó thực hiện các giải pháp như làm đường ranh cản lửa, không để lây lan cháy mía từ đồng ruộng này sang đồng ruộng khác.”

Vùng nguyên liệu mía phía Đông tỉnh Gia Lai có tổng diện tích 30.000 ha. Cho đến thời điểm này, bà con nông dân đã thu hoạch được hơn 65% diện tích mía toàn vùng và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 4.2024. Để phòng ngừa cháy mía, vấn đề quan trọng nhất đó là mỗi người dân cần nâng cao nhận thức; tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền địa phương và doanh nghiệp; đặc biệt là trong quá trình dọn dẹp, vệ sinh ruộng mía sau thu hoạch.

Đoàn Bình – Thanh Sáng


Lượt xem: 16

Trả lời