Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường

Cập nhật 03/10/2019, 14:10:24

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019 với chủ đề “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại” được phát động từ ngày 1/10 đến 7/10 nhằm nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Trong rất nhiều nội dung được các địa phương hưởng ứng thực hiện trong tuần lễ hướng ứng học tập suốt đời thì việc xây dựng thư viện, tủ sách cho các cơ sở giáo dục cũng đã và đang được các trường học của tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm, nhằm từng bước phát triển văn hóa đọc trong học sinh.

Hiện nay 100%  các trường học ở Gia Lai đều có thư viện, nhưng hầu hết là thư viện truyền thống.

Thư viện của Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Chư H’drông, Tp. Pleiku hiện có khoảng trên 3000 đầu sách. So với nhiều trường học thuộc trung tâm thành phố thì việc đọc sách của các em cũng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2019, nhà trường cũng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền văn hóa đọc cho các em học sinh.

 Thầy giáo Hoàng Hữu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, xã Chư H’drông, Gia Lai cho biết: “Trên cơ sở văn bản của ngành chỉ đạo thì nhà trường cũng đã tổ chức tuyên truyền trước cờ đối với học sinh về hướng ứng học  tập suốt đời, thứ 2 là treo khẩu hiệu tuyên truyền cho nhân dân nắm bắt và hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời.Trên cơ sở phát động của tuần lễ thì nhà trường cũng đã tổ chức cho các em thực hiện tốt việc này”.

Hiện nay 100%  các trường học ở Gia Lai đều có thư viện, nhưng hầu hết là thư viện truyền thống nên chưa thu hút được học sinh đến đọc sách. Vì vậy  mà một số trường học đã đầu tư được thư thông minh – một thư viện mở với nhiều ưu điểm hơn so thư viện truyền thống. Vì vậy trong quá trình hoạt động thư viện thông minh đã thu hút được lượng học sinh nhất định đến đọc sách.

Em Nguyễn Huỳnh Xuân Diễm, HS lớp 6/9, Trường THCS Phạm Hồng Thái, Tp. Pleiku, Gia Lai chia sẻ: “Con thường xuống thư viện mỗi ngày, con có thể mượn được rất nhiều truyện, ở đây có thể cho con biết thêm nhiều kiến thức trong học tập và xã hội”.

Ngoài việc đọc sách, các em học sinh còn có thể tra cứu trên mạng những thông tin cần thiết phục vụ cho việc học tập của mình. Bên cạnh đó lượng lưu trữ đầu sách cũng nhiều hơn so với thư viện truyền thống từ 3 đến 4 lần.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Nhân viên thư viện Trường THCS Phạm Hồng Thái, Tp. Pleiku, Gia Lai cho biết: “Ngày xưa còn thư viện truyền thống thì học sinh ít tới thư viện hơn, còn từ năm 2014 Sam Sung tài trợ thư viện thông minh này thì học sinh đến rất là nhiều. Một ngày có khoảng 30 lượt bạn đọc, có ngày có thể hơn. Bữa nào có mấy lớp học thể dục thì các em đến từ 60 đến 90 bạn nên không có chỗ ngồi”.

Mặc dù thư viện trường học ở Gia Lai được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn trong quá trình hoạt động phục vụ người đọc như: Nguồn lực thông tin chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của học sinh; chưa xây dựng được chiến lược phát triển văn hóa đọc; tuyên truyền, hướng dẫn và phát động phong trào đọc chưa trường xuyên. Do đó để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường cần phải có chiến lược lâu dài.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Long , PGĐ Sở GD&ĐT Gia Lai nêu: “Phải nâng cao nhận thức về văn hóa đọc đối với học sinh. Để làm được việc này ta có thể thực hiện bằng cách trong nội dung bài học có yêu cầu phải cho học sinh đọc sách, nghiên cứu tài liệu hoặc là ta thực hiện các cuộc thi, tuyên truyền liên quan đến văn hóa đọc, cuộc thi kể lại theo nội dung sách…rất nhiều hình thức mình có thể làm”.

Để xây dựng văn hóa đọc thành công thì mỗi thành viên trong nhà trường nên là một hạt nhân vững chắc cùng chung tay hoạt động. Đây là điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học, giúp cho học sinh đến gần hơn với sách, báo, tài liệu. Đặc biệt, việc hình thành thói quen đọc sẽ tạo nền tảng cho việc tự học của mỗi người, góp phần xây dựng một xã hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời./.

Lệ Xuân, Thanh Sáng, Phi Long


Lượt xem: 74

Trả lời