Phát triển Khoa Y học cổ truyền tại Trung tâm y tế huyện Ia Pa

Cập nhật 23/8/2019, 08:08:41

Việc khám chữa bệnh bằng phương pháp y học Cổ truyền và thực hiện kết hợp y học Cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh,chữa bệnh ngoại trú, nội trú và thuốc đông dược đang được ngành y tế khuyến khích các bệnh viện thực hiện. Theo đó đến nay, TTYT huyện Ia Pa đã thành lập được thêm Khoa Đông y phục hồi chức năng, việc thành lập thêm một khoa mới trong lĩnh vực Đông y không những phát huy việc điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp y học Cổ truyền mà các bác sĩ khoa Đông y còn có thể hỗ trợ cho những bệnh nhân khác đang điều trị ngay tại bệnh viện.

Mặc dù việc điều trị bệnh cho bệnh nhân theo phương pháp Cổ truyền đã được Trung tâm Y tế huyện Ia Pa thực hiện khá lâu, trước đây có tên gọi là Khoa Nội – Nhi – Nhiễm – Đông Y. Tuy nhiên việc thực hiện nhiều công việc trong một khoa sẽ không phát huy được thế mạnh chuyên môn của từng lĩnh vực. Vì vậy tháng 1/2019, TTYT huyện Ia Pa đã thành lập thêm Khoa Đông y phục hồi chức năng, điều này vừa phát huy được thế mạnh của khoa, đồng thời lại hỗ trợ thêm về chuyên môn cho các khoa khác trong bệnh viện.

Bác sỹ CKI Siu HLú, Phó Trưởng khoa Y học Cổ truyền phục hồi chức năng – TTYT huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Từ khi có quyết định của Sở tách riêng từ ngày 1/1/2019 được tách riêng với danh nghĩa là Khoa y học cổ truyền phục hồi chức năng với chuyên môn là châm cứu, sắc thuốc và chiếu tia hồng ngoại cho bệnh nhân. Ngoài ra Khoa y học cổ truyền chúng tôi còn kết hợp với các khoa khác có bệnh nhân liên quan như khoa nội có bệnh nhân tai biến mạch máu não, đau cơ thắt lưng hoặc đau khớp thì có đề nghị bên khoa y học cổ truyền thực hiện châm cứu và điều trị cho bệnh nhân”.

Theo ghi nhận vào mỗi buổi sáng, bệnh nhân đến điều trị khoảng 2 tiếng đồng hồ tại Khoa Y học Cổ truyền phục hồi chức năng. Đa phần là bệnh nhân  điều trị ngoại trú, chỉ một số ít bệnh nhân bị bệnh nặng mới nằm điều trị nội trú tại Khoa.

Bệnh nhân Siu Yun, xã Ia Kdam, huyện Ia Pa, Gia Lai  nói: “Tôi đau tê liệt tay chân đã điều trị được khoa châm cứu này 2 ngày tôi thấy đỡ nhiều”.

Tùy thuộc vào thời gian phát hiện bệnh sớm hay muộn các bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh số lượng từng vị thuốc ít hay nhiều cho mỗi bệnh nhân

Thông thường những bệnh nhân đến điều trị chủ yếu là đau thần kinh tọa, hội chứng vai gáy, đau vùng thắt lưng,đau tê nửa người, đau thần kinh ngoại biên và dây thần kinh số 7. Thời gian phục hồi của mỗi bệnh nhân tùy thuộc vào việc phát hiện sớm hay muộn.

Y sĩ Ksor Drit, Khoa Y học Cổ truyền phục hồi chức năng- TTYT huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Tùy theo bệnh nhân đau 5 năm trở lên điều trị thuyên giảm chậm còn bệnh nhân thần kinh tọa, đau vai gáy, bị 1 tuần hoặc 1 tháng điều trị khoảng 2 tuần đỡ rất nhiều, có bệnh nhân khỏi hẳn luôn”.

Vì có thêm khoa Y học Cổ truyền phục hồi chức năng nên việc phát triển vườn thuốc Nam ngay tại khuôn viên của TTYT huyện Ia Pa đã phát huy tác dụng. Bởi ngoài hướng dẫn cho người dân địa phương biết cách sử dụng như nhiều vườn thuốc Nam kiểu mẫu khác tại các Trạm Y tế xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai thì các bác sĩ của TTYT huyện Ia Pa còn sử dụng được những cây dược liệu quý này ngay trong công việc chuyên môn của mình đó là điều trị cho bệnh nhân./.

Lệ Xuân, Minh Trí


Lượt xem: 196

Trả lời