Phát triển công nghiệp chế biến tại Gia Lai-Cần những đột phá

Cập nhật 07/5/2022, 17:05:16

Công nghiệp chế biến, chế tạo được xác định là lĩnh vực trọng tâm nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Gia Lai. Nghị quyết số 07 ngày 20/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2030 tỉnh sẽ trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm sản của khu vực Tây Nguyên và khu vực 13 tỉnh trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Để hoàn thành mục tiêu này, bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến và tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp, Gia Lai tiếp tục có những cơ chế, chính sách hấp dẫn, nhằm tạo bước đột phá, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Năm 2021, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Gia Lai đạt trên 24.800 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, nổi bật là công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 16.609 tỷ đồng, tăng hơn 10,29% so với năm 2020. 4 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt trên 8.844 tỷ đồng, đạt 30,62% kế hoạch, tăng 15,78% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt hơn 5.701 tỷ đồng, đạt 31,77% kế hoạch, tăng 9,77%. Công nghiệp chế biến nông sản tiếp tục giữ vị trí là nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh khi chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng như cà phê, cao su, trái cây…

Là một trong những công ty chế biến nông sản xuất khẩu lớn của tỉnh, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống nhà máy chế biến quy mô lớn, hiện đại, để có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho chế biến, thời gian qua Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất cà phê chất lượng cao có chứng nhận như 4C, Rainforest, UTZ. Hiện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất cà phê Organic được công nhận của tổ chức Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch Hội đồng thành viên – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: “Lợi thế nhất của Vĩnh Hiệp là đã xây dựng được vùng nguyên liệu sạch, đẹp.Thay vì chúng ta sản xuất nông nghiệp thô sơ, nông nghiệp bình thường thì việc đầu tư vào công nghệ tốn kém rất nhiều, và hiện nay chúng ta đang bước vào thời kỳ chuyển số hóa toàn bộ nền nông nghiệp. Đây là một hướng đi bền vững giúp cho giá thành được thấp xuống và sản phẩm giá trị được tăng lên. Để xây dựng chuỗi liên kết từ HTX và tổ nông dân liên kết đến nhà máy sản xuất và ra sản phẩm cuối cùng thì đối với nhà máy hiện nay chúng tôi vẫn chưa đầy đủ lắm nhưng tương đối với chúng tôi thì tạm thời là như vậy. Nhưng tương lai chúng tôi cần nhiều nhà máy hơn nữa để tập trung ở vùng nguyên liệu này để cho ra sản phẩm tốt nhất”.

Gia Lai có lợi thế phát triển các loại cây nông nghiệp với quy mô lớn như cà phê diện tích hơn 98 ngàn ha, gần 14 ngàn ha hồ tiêu, gần 21,4 ngàn ha cây ăn quả, ngoài ra còn các cây trồng khác như điều, sắn, mía… Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến của tỉnh. Hiện nay, hầu hết các loại cây trồng chủ lực đều gắn với các nhà máy chế biến. Việc đưa các nhà máy chế biến nông sản đi vào hoạt động từng bước tạo mối liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, hình thành nhiều vùng nguyên liệu nông sản tập trung với quy mô lớn phục vụ cho xuất khẩu hàng hoá.

Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac cũng cho biết: “Về công suất chế biến thì chúng tôi chế biến từ 40-50 tấn/giờ, và chúng tôi tự tin rằng với công suất đó, với đầu tư này không những là phát triển vùng nguyên liệu giúp đỡ bà con nông dân phát triển bền vững cũng như là có lộ trình phá triển kinh doanh dài hạn cho Quicornac tại Việt Nam. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục nâng công suất. Hiện tại diện tích nhà xưởng đủ để nâng công suất lên gấp 3 lần”.

Những năm qua, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng giảm tỷ trọng khai khoáng, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo. Hiện ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang chiếm trên 60% giá trị toàn ngành. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án được đầu tư và đi vào hoạt động, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như các nhà máy đường, xi măng, chế biến hạt điều, cà phê, tinh bột sắn, trái cây, chế biến gỗ, cao su, dược liệu… Phát triển ngành công nghiệp chế biến được coi là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao giá trị, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Ngoài phục vụ tiêu dùng nội địa, việc chế biến sâu các sản phẩm nông sản sẽ tạo nguồn hàng chất lượng phục vụ cho xuất khẩu. Để tạo đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, thời gian tới tỉnh Gia Lai tiếp tục có những giải pháp trọng tâm trong việc thu hút lao động chất lượng cao, cải thiện cơ chế chính sách để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Ông Phạm Văn Binh – Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết: “Để thực hiện được đúng Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng như các chương trình trọng tâm thì về phía công nghiệp chế biến chúng tôi đang tập trung tham mưu UBND tỉnh quy hoạch mở rộng và bổ sung đầu tư kết cấu hạ tầng của các khu, cụm công nghiệp. Trên cơ sở đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp thì cùng với nhà đầu tư hạ tầng sẽ thu hút các nhà đầu tư khác vào lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến về nông lâm sản và chế biến dược liệu. Đối với tỉnh thì chúng tôi có những cơ chế đặc thù hơn, trong đó tập trung cho cải cách hành chính, giải quyết thời gian ngắn gọn, giảm bớt các thủ tục và đồng hành nhà đầu tư khi đến đầu tư ở Gia Lai. Với sự đồng bộ của các sở, ngành thì tin chắc rằng ngành công nghiệp trong thời gian tới sẽ phát triển nhưư đúng định hướng của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra”.

Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án về lĩnh vực logistics, chế biến đường, thức ăn chăn nuôi, súc sản, chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp, thực phẩm, chế biến dược liệu, chế biến gỗ… với tổng vốn đầu tư khoảng trên 8.700 tỷ đồng; đảm bảo giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 4-5 lần so với giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Gia Lai trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm sản của khu vực Tây Nguyên và khu vực 13 tỉnh trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia./.

Lê Thư – Huy Toàn – Phi Long


Lượt xem: 4

Trả lời