Phát huy hiệu quả mô hình thư viện thân thiện ở vùng DTTS

Cập nhật 14/5/2019, 15:05:01

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, nhất là đối với bậc mầm non ở các vùng sâu vùng xa, vùng DTTS là điều luôn được ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai quan tâm trăn trở trong nhiều năm qua. Theo đó, đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay  được ứng dụng và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng là một trong những mô hình thiết thực như thế.

 Mặc dù Thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng đã đi vào hoạt động được hơn 3 tháng nay nhưng niềm vui, sự phấn khởi của các cô giáo và các em học sinh Trường mẫu giáo xã Ia Mlăh, huyện Krông Pa dường như vẫn còn vẹn nguyên. Bởi giờ đây, đã có một nơi khang trang và đầy đủ tiện nghi cho cô trò nhà tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn. Thư viện không chỉ là nơi các em được đọc truyện phù hợp với lứa tuổi mà còn được các cô giáo, cha mẹ tham gia vào các hoạt động kể chuyện để phát triển ngôn ngữ, tư duy. Ngoài ra, đây còn là nơi nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng giúp các em thêm mạnh dạn và tự tin hơn.

Mô hình thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng là được UNICEF tài trợ thông qua dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện. Một trong những điểm làm nên điều đặc biệt của mô hình đó là sự chung tay đóng góp về kinh phí và công sức của cộng đồng chính quyền địa phương, tập thể giáo viên, phụ huynh. Với gần 300 học sinh, trong đó có 78% học sinh là người DTTS, mô hình thư viện này thực sự mang lại một hướng đi mới đầy hiệu quả trong công tác giáo dục của Trường Mẫu giáo xã Ia Mlăh.

Cô giáo Tôn Thị Hoa Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Ia Mlăh, huyện Krông Pa cho biết: “Để khai thác hiệu quả từ thư viện, chúng tôi lên kế hoạch phối hợp với giáo viên cũng như phụ huynh đã xây dựng những hoạt động hết sức thiết thực như hoạt động trải nghiệm cho trẻ làm quen với các nguyên vật liệu thiên nhiên, trẻ được rèn luyện kỹ năng, được biết về một số làng nghề truyền thống… sau khi thực hiện hoạt động này ngôn ngữ của trẻ được phát triển rất nhiều, đặc biệt là trẻ dân tộc thiểu số”.

Riêng trong năm 2018, toàn tỉnh có 4 Trường mẫu giáo được tổ chức UNICEF hỗ trợ xây dựng mô hình thư viện thân thiện. Ngoài được hỗ trợ về kinh phí, các vật dụng, máy móc, dự án còn tổ chức các hoạt động tập huấn, tổ chức tham quan mô hình ở Thủ đô Hà Nội… cho cán bộ, giáo viên các trường để về thực hiện tại địa phương. Thực tế cho thấy, các mô hình rất phù hợp ở các vùng DTTS.

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai cũng nói: “Từ khi thư viện đi vào hoạt động thì rất có hiệu quả, trước hết là nâng cao nhận thức của phụ huynh về giáo dục mầm non./Đặc biệt, trẻ ở điểm làng rất nhút nhát, thấy người lạ trẻ khóc, không chịu hợp tác với cô. Nhưng từ khi thư viện hoạt động, trẻ bây giờ rất mạnh dạn tự tin. Các cấp chính quyền cũng nhìn nhận đây là mô hình rất có hiệu quả đối với trường”.

 Từ hiệu quả mang lại, mô hình thư viện thân thiện đang được ngành Giáo dục quan tâm và có hướng nhân rộng trong thời gian tới. Riêng tại huyện Kbang đã nhân rộng mô hình thư viện này tại 2 trường mẫu giáo khác. Trong năm 2019, Dự án Phát triển toàn diện trẻ thơ sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng thêm 5 thư viện thân thiện ở các xã khác./.

Ngô Thanh, Minh Trung

 

 


Lượt xem: 129

Trả lời