Nông dân Tân An làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao

Cập nhật 11/4/2020, 10:04:02

Tập trung xây dựng các mô hình nông nghiệp mới, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp … Đó là những bước đi hiệu quả xã Tân An, huyện Đak Pơ đã thực hiện nhằm tạo đà bứt phá hướng đến xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao và phát triển bền vững.

Gia đình anh Phạm Hữu Lợi ở thôn Tân Hòa, xã Tân An có 1,2 ha đất trồng rau. Nhận thấy hiệu quả của việc áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm, đầu năm 2019, gia đình anh đã đầu tư tiền để triển khai thực hiện hệ thống tưới tiết kiệm phun sương. Anh Lợi cho biết, so với cách tưới bơm truyền thống, thì mô hình này vừa giúp gia đình anh giảm chi phí đầu tư hệ thống bơm gần 20%, vừa giảm được công lao động hàng ngày nhưng vẫn đảm bảo nước tưới đều cho diện tích sản xuất. Đặc biệt, mô hình này còn tiết kiệm được gần 1/3 lượng nước so với cách tưới bơm truyền thống trên cùng một diện tích. Bên cạnh đó, cây trồng cũng sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Vì vừa có thể cung cấp nước, phân bón đến đúng vùng rễ tích cực với liều lượng nhỏ, vừa đủ để cây trồng hấp thu hết thông qua hệ thống máy bơm, van, đường ống dẫn nước.

Anh Lợi nói: “Đa số mình làm rau màu ngắn ngày, với lại ngoài 1 ha2 rau ra thì còn khoảng 2 ha mía, nhờ mình áp dụng khoa học kỹ thuật với nhờ công ty giống hỗ trợ, đồng hành thì làm áp dụng tưới tiêu hợp lý, tiêt kiệm được nhân công nên 2 vợ chồng làm về cơ bản cũng thoải mái không vất vả gì lắm, Về thu nhập cũng có năm được năm mất. tính chi phí 1 năm dư ra cũng 400 triệu” .

Còn với hộ anh Phạm Thành Công, thôn Tân phong, xã Tân An đã mạnh dạn đổi mới lối trồng rau truyền thống sang trồng rau trong nhà lồng, cung cấp cây con giống cho bà con trong vùng. Thay vì trước đây, bà con trồng rau chủ yếu sử dụng giống cũ, để từ năm này qua năm khác, hoặc mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc. Từ khi có vườn ươm giống trên địa bàn, bà con rất phấn khởi, tin tưởng nên số lượng đặt mua luôn vượt cung. Từ 1 nhà lồng ban đầu, hiện anh đã xây dựng thêm 2 nhà lồng tại huyện Kbang và Kongchro. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu về khoảng 250 triệu đồng.

 Anh Phạm Thành Công, thôn Tân phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ, Gia Lai  chia sẻ: “Lúc đầu mình không biết, học hỏi anh em bạn bè, bà con nông dân ở đây, khiến mình đi đến mơ cái nhà lồng. lúc đầu cũng khó khăn về vật chất, tinh thần chuyên môn cũng như  công tác về nhà lồng thì mình cũng không hiểu, mình không biết, rồi dần dần mình cũng học hỏi các đàn anh đi trước, bạn bè, đến nay nó cũng tạm ổn cho gia đình”.

Thời gian qua, bà con nông dân xã Tân An đã linh hoạt áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa những cây con giống mới vào sản xuất. Xây dựng các mô hình trình diễn, khảo nghiệm giống lúa, mía mới vào gieo trồng tại địa phương như lúa OM 4900, OM 7347, mía KM 95 – 84, KM 88-92…ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn; khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và chăn nuôi thủy sản theo hướng trang trại, gia trại; Xây dựng các mô hình sản xuất rau theo hướng Vietgap… Tính đến nay, toàn xã có 07 nhà lồng; trên 120 hộ sử dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước.

Ông Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch UBND xã Tân An, huyện Đak Pơ, Gia Lai cho biết: “Cuộc sống của nước ta nói chung càng ngày càng nâng cao nên nhu cầu tiêu dùng nên sản phẩm tiêu dùng cùng đòi hỏi khắt khe, nên trong sản phẩm bà con cung cấp ra thị trường phải đảm bảo đòi hỏi của người tiêu dùng như sản phẩm rau chẳng hạn nên bà con nhân dân xã cũng ý thức cho vấn đề đó, nên họ áp dụng khoa học kỹ thuật để cung cấp ra thị trường sản phẩm rau sạch, rau an toàn và để giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh”.

Từ những bước đi phù hợp và kết hợp linh hoạt nhiều nguồn lực, việc sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn xã Tân An đang mở ra nhiều triển vọng. Đặc biệt, với những vùng sản xuất nông sản hàng hóa giá trị cao đã và đang từng bước khẳng định vị thế chủ lực trong phát triển kinh tế, đưa nền nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng bền vững./.

CTV Tuyết Mai – Nguyễn Hiền (Huyện Đak Pơ)


Lượt xem: 228

Trả lời