Nông dân Phạm Văn Thành mạnh dạn phát triển chanh dây trên xã biên giới Ia Piơr

Cập nhật 08/2/2023, 15:02:36

So với một số địa phương khác trong tỉnh Gia Lai, tại xã biên giới Ia Piơr của huyện Chư Prông, lâu nay người dân vẫn phát triển sản xuất nông nghiệp với một vài loại cây trồng chính và chủ lực như cây lúa, cây mỳ. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại chưa thực sự cao so với những loại cây trồng khác ở nhiều địa phương. Với mong muốn tăng nguồn thu, vài năm trở lại đây một số nông dân trên địa bàn xã Ia Piơr đã mạnh dạn và chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mô hình chanh dây với diện tích hơn 02 ha của nông dân Phạm Văn Thành bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao trên vùng biên giới Ia Piơr có thể xem là tín hiệu khả quan cho phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa của người dân nơi đây trong những năm tới.

Tính toán thấy hiệu quả kinh tế và lợi nhuận mang lại từ cây chanh dây cao hơn nhiều so với trồng mỳ, trồng lúa; anh Phạm Văn Thành ở làng Me, xã biên giới Ia Piơr, huyện Chư Prông đã quyết định chuyển đổi hơn 02 ha của gia đình sang trồng chanh dây. Với chi phí đầu tư ban đầu không phải là ít, tuy nhiên sau hơn 03 năm mạnh dạn với hướng đi mới, nguồn thu của gia đình từ cây chanh dây đã cho anh Thành thấy được lựa chọn của mình thời điểm đó cũng như đến ngày hôm nay là hợp lý.

Anh Thành cho biết: “Nói chung là mình nghĩ thì mình nghĩ về lợi nhuận thôi. Giờ trồng mỳ, trồng lúa… hay trồng những cây khác, lợi nhuận không bằng chanh dây, nói thật như vậy. Nhưng mà đầu tư ban đầu của mình bỏ ra cho một vườn chanh dây thì hơi cao, nhưng mà mình tính đường dài thì chạy chanh dây ngon hơn”.

Theo anh Thành cho biết, giá chanh dây trên thị trường cũng tùy từng thời điểm, từng vụ và tùy loại chanh dây xuất ra thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian qua giá chanh dây tại địa bàn xã Ia Piơr hầu như thời điểm nào cũng cao hơn so với các địa phương khác. Ngoài ra, nếu đầu tư bài bản từ trụ, rồi giống ở năm đầu tiên trồng thì mặc dù lợi nhuận năm đầu không nhiều, thế nhưng ở các vụ thu hoạch tiếp theo, nguồn thu sẽ ổn định và đạt khá.

Anh Thành nói: “Vốn đầu tư ban đầu 01 ha mình bỏ ra tầm 250-270 triệu khi mà đầu tư đầu tiên. Nặng vốn đầu tiên thôi, thì lợi nhuận của mình sẽ kém đi nhưng từ năm thứ hai trở đi thì lợi nhuận của mình sẽ cao. Thì thường thường 01 ha chanh dây thu trung bình nếu không tính vốn ban đầu mà tính vốn thứ hai thì 01 ha chanh dây mình đạt tầm 400-500 triệu nếu giá thành đạt. Nếu giá 4-5 ngàn mình không nói, nhưng giá thành từ 8 ngàn trở lên thì 01 ha mình đạt từ 400-500 triệu/năm trừ chi phí rồi. Đấy là mình nói trừ chi phí rồi trên 01 vụ chanh dây”.

Theo thống kê, tính chung ở xã Ia Piơr và ở cả xã lân cận Ia Lâu của huyện Chư Prông thì đến nay cũng chỉ có khoảng 10 hộ trồng chanh dây; tuy nhiên diện tích của mỗi hộ chưa nhiều. Trong những năm gần đây, nhất là thời gian 02 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả một số loại nông sản, trong đó có chanh dây cũng bị tác động; thế nhưng so với cây mỳ, cây lúa thì rõ ràng lợi nhuận từ trồng chanh dây cao hơn nhiều. Nắm bắt thị trường, những nông dân như anh Thành cũng đang chú trọng phát triển chanh dây theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng nguồn thu cho gia đình; làm giàu trên chính đồng đất quê hương./.

 Mỹ Tiến, Huy Toàn


Lượt xem: 7

Trả lời