Nông dân loay hoay tìm đầu ra cho cây nghệ

Cập nhật 03/1/2018, 15:01:31

Hồ tiêu chết, xuống giá, các loại cây trồng khác thường xuyên phải đối mặt với tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Do đó, hàng trăm nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chuyển sang trồng nghệ. Một thực tế chung hiện nay là cây nghệ đã bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch nhưng vẫn không có thương lái tới mua, một số diện tích nghệ bị nhiễm bệnh đang có dấu hiệu chết dần. Người dân không khỏi lo lắng. Ghi nhận trên địa bàn huyện Đức Cơ.

Nghe thông tin từ một số hộ nông dân tại tỉnh Đăk Lăk và Kon Tum trồng cây nghệ vàng, nghệ cao sản cho thu nhập cao, anh Vũ Hải Ba ở thôn Quyết Thắng, xã Ia Din, huyện Đức Cơ đã quyết định thuê hơn 2ha đất tái canh cao su để trồng nghệ với hy vọng tăng thu nhập cho gia đình. Tháng 4/2017, anh bỏ ra hơn 30 triệu đồng sang Đăk Lăk mua 2 tấn nghệ giống về trồng. Đến nay, nghệ bắt đầu cho thu hoạch nhưng không thấy thương lái, doanh nghiệp đến tìm mua. Gia đình đang đứng trước tình cảnh “dở khóc, dở cười”.

Anh  Ba cho biết: “Sau khi trồng được một thời gian thì thấy dân người ta cũng ồ ạt trồng. Trong khi đó đất lại đi thuê, bây giờ đầu ra chưa thấy nên rất mong muốn các tổ chức cũng như doanh nghiệp có chương trình thu mua nghệ cho nông dân”.

Hiện tại, Đức Cơ có hơn 20ha nghệ do người dân trồng tự phát thì riêng xã Ia Din chiếm khoảng 15ha. Người dân ở đây chủ yếu tận dụng đất vườn nhà để trồng nghệ hoặc trồng nghệ trên diện tích đất cao su tái canh. Do là loại cây trồng mới người dân chưa nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm sóc nên một số diện tích nghệ đã bị nhiễm nấm, bệnh, khiến năng suất kém.

Anh Cao Lộc – cán bộ Nông nghiệp xã Ia Din, huyện Đức Cơ cho biết: “Vì cây này dân tự phát nên cũng không biết đầu ra như thế nào, dân họ thấy các tỉnh lân cận trồng có năng suất nên người ta trồng, bây giờ người dân có phản ánh là bị chết nhưng  không hiểu nguyên nhân như thế nào?”.

Cây nghệ được biết đến là cây dược liệu có lợi cho sức khỏe, hiện nghệ giống bán cho nông dân khoảng 15.000 – 17.000 đồng/kg. Cây nghệ dễ trồng, phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương thế nên nhiều hộ dân đã học hỏi lẫn nhau, chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách tự phát, theo phong trào. Điều đáng lo hiện nay đó là chưa có một cơ sở hay doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh đứng ra cam kết bao tiêu sản phẩm nên người dân thu hoạch không biết bán cho ai.

Ông Nguyễn Quốc Tư – Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Đức Cơ cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang  khuyến cáo cho người nông dân tập trung sản xuất những cây trồng thuộc cơ cấu, quy hoạch giống cây trồng của địa phương, chưa quan tâm đến giống cây trồng không nằm trong cơ cấu.  Về mặt đầu ra, chúng tôi sẽ làm việc với các cấp hội, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn, trong và ngoài tỉnh nếu có nhu cầu thu mua những sản phẩm như nghệ, khoai lang Nhật.. mà người dân trồng trên địa bàn thì khuyến khích để họ về thu mua. Về phía người dân nên có hợp đồng với các doanh nghiệp về đầu tư, bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch”.

Được biết, không chỉ riêng người dân huyện Đức Cơ mà tại một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh như Chư Pưh, Chư Sê… người dân cũng đang loay hoay với việc tìm đầu ra cho cây nghệ./.

Bích Thủy, Đặng Trà


Lượt xem: 183

Trả lời