Nông dân chân đất làm giàu trên vùng biên giới

Cập nhật 22/4/2019, 11:04:57

Dám nghĩ, dám làm; không ít những nông dân đã từ hai bàn tay trắng vượt khó, vươn lên làm giàu. Và trên vùng biên giới Đức Cơ hôm nay, màu xanh của những vườn cà phê, vườn cây ăn trái cũng chính là màu xanh của sự ấm no, đủ đầy của cuộc sống người dân nơi đây; trong đó có những nông dân chân đất như ông Hoàng Xuân Thủy ở làng Ia Krêl, xã Ia Krêl.

Từ  ngoài Bắc vào vùng biên giới Đức Cơ lập nghiệp và cây cà phê là lựa chọn đầu tiên của ông Thủy để khởi nghiệp trên vùng đất mới. Từ một ít diện tích cà phê đầu tiên ở thời điểm năm 1997, sau đó dần mở rộng và đến nay đã phát triển lên 02 ha. Lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu; thế nhưng với  kinh nghiệm qua nhiều năm sản xuất và thấy cần phải có sự thay đổi để làm tăng hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng của sản phẩm cà phê, ông đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất theo kiểu truyền thống và là 1 trong những hộ dân đầu tiên ở làng Ia Gôn trước đây (nay là làng Ia Krêl), xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ mạnh dạn thực hiện trồng cà phê theo hướng sản xuất nông nghiệp VietGap.

 Ông Hoàng Xuân Thủy – Làng Ia Krêl, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Trong vấn đề thực hiện chuẩn VietGap thì phải đầu tư rồi thực hiện các quy trình VietGap đã quy định.Thì nó có khó khăn và nó cũng có những cái gọi là đầu tư hơn so với sản xuất cà phê thường”.

Phát triển cà phê rồi tới trồng tiêu, kinh tế gia đình ông dần khá lên. Tuy nhiên trong khoảng vài năm trở lại đây, khi giá tiêu xuống thấp rồi nhiều diện tích cà phê cũng già cỗi cần tái canh, ông đã mạnh dạn kết hợp trồng xen cà phê tái canh với tiêu để đảm bảo cho nguồn thu của gia đình. Đất không phụ công người, hiện 02 ha cà phê và 2.000 trụ tiêu mang lại cho gia đình ông mỗi năm vài trăm triệu đồng; và từ nguồn thu này, người nông dân chân đất này cũng đang ấp ủ nhiều dự định.

 Ông Hoàng Xuân Thủy – làng Ia Krêl, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Nói chung tất cả là phải dựa vào Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho vay mượn, một là thế chấp, hai là thông qua ngân hàng CSXH.Hiện nay thì cà phê trồng lâu năm rồi (từ 1995), bây giờ thì giống không đảm bảo và già phê già cỗi cho nên là gia đình cũng đang định hướng là tái canh, để thâm canh giống cà phê mới có năng suất”.

Với mục tiêu da dạng hóa cây trồng, ngoài tiêu và cà phê, hiện nay ông Thủy cũng dành một phần nhỏ diện tích để trồng thêm một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng và đào ao nuôi cá kết hợp lấy nước tưới phục vụ sản xuất. Gần cả một đời nhìn lại, mọi thứ với người nông dân như ông Thủy hôm nay có thể nói là thành công và đang góp phần vào sự trù phú, ấm no, phát triển trên vùng biên giới của tỉnh Gia Lai./.

 Mỹ Tiến, Minh Trung


Lượt xem: 47

Trả lời