Những nông dân sản xuất giỏi ở huyện biên giới Chư Prông

Cập nhật 29/4/2016, 09:04:00

Sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương, nhiều nông dân ở huyện biên giới Chư Prông đã đi lên làm giàu từ hai bàn tay trắng nhờ những mùa vụ bội thu cho thu nhập vài trăm triệu đồng, và thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm.    

 

Nhờ tiềm năng đất đai và giá cả ổn định mà nhiều năm trước đây, nông dân ở huyện Chư Prông đã đầu tư phát triển, mở rộng diện tích cà phê cũng như hồ tiêu của gia đình.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng – Thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Trước đây thì mình làm theo kiểu cũng không bài bản, KHKT cũng đến chậm. Khoảng 3-4 năm trở lại đây thì nói chung nhận thức của nông dân cũng cải thiện phần nào cho nên làm bây giờ thì năng suất nó cũng cao”.

Với mục đích giúp nhau phát triển kinh tế và làm giàu khi đến lập nghiệp trên vùng đất mới, nên kinh nghiệm là điều quan trọng mà những nông dân ở huyện Chư Prông luôn cố gắng học hỏi, truyền đạt cho nhau. Người thành công trước truyền lại cho người làm sau, và người giàu kinh nghiệm thì truyền lại cho người mới bắt đầu. Đặc biệt với việc tham gia các chi hội nông dân, đây là cơ hội để nhiều nông dân biết thêm những mô hình kinh tế mới, hiệu quả; từ đó áp dụng để phát triển kinh tế gia đình. 

Ông Nguyễn Mạnh Chiến – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Prông, Gia Lai đánh giá: “Trong những năm qua, trên cơ sở phát triển kinh tế mang tính bền vững thì bà con nông dân đã mở rộng các ngành, các nghề, các lĩnh vực, tập trung vào hội viên nông dân là chủ yếu. Trên cơ sở đó thì vai trò của chủ tịch hội nông dân và các chi hội nông dân – những đồng chí tâm huyết với hội tìm mọi cách để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho bà con nông dân trên địa bàn huyện”. 

Mạnh dạn đầu tư và cũng mạnh dạn áp dụng những cách làm mới, các mô hình kinh tế trang trại và kinh tế tổng hợp xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện đã góp phần mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nông dân; đồng thời cũng tạo công ăn việc làm cho những lao động  ở địa phương.  

Anh Trần Văn Quế – Thôn Cát Mỹ, xã Ia Vê, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: Qua nhiều năm phát triển cây cà phê và cây tiêu là chủ lực. Tôi thấy hiệu quả là mấy năm (từ năm 1995 lại đây) nói chung gia đình tôi thu 1 năm cũng được 5-7 tấn tiêu và 7-8 tấn cà. Nguồn thu nhập cho gia đình ổn định, các cháu học hành và gia đình đảm bảo về phần kinh tế”.

5.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp với mức thu nhập từ 600-700 triệu đồng mỗi năm, thậm chí lên đến hàng tỷ đồng với một huyện biên giới như Chư Prông là điều mà không phải địa phương nào cũng có. Và kết quả này minh chứng cho sự cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất cũng như ý chí vươn lên làm giàu của người nông dân nơi đây, trở thành những nông dân sản xuất giỏi trên vùng biên giới ./.

Mỹ Tiến -R’Piên


Lượt xem: 86

Trả lời