Những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong vùng đồng bào DTTS

Cập nhật 24/9/2020, 13:09:53

Tập trung các nguồn vốn đầu tư phát triển cho vùng đồng bào DTTS, vài năm trở lại đây, diện mạo nhiều thôn, làng của tỉnh Gia Lai đã và đang đổi thay, khởi sắc từng ngày.
Đáng phấn khởi hơn, cuộc sống của bà con đồng bào DTTS cũng ngày càng được nâng lên nhờ những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, cho thu nhập cao; góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo chung của tỉnh.

Trên vùng biên giới Đức Cơ, màu xanh của những vườn cà phê, cao su bạt ngàn đã và đang mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con DTTS. Không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; những nông dân như anh Siu Hiếu ở làng Hrang, xã Ia Kriêng quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bằng cách làm kinh tế. Tận dụng nguồn đất đai màu mỡ và mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thu nhập hàng năm của gia đình anh từ hơn 08 ha các loại cây công nghiệp dài ngày gồm: cà phê, cao su và điều cũng được vài trăm triệu đồng. Kinh tế phát triển, đời sống cũng dần đi lên.

Anh Hiếu nói: “Nhắc nhở trong hộ gia đình mình phải vượt được khó, phải tiến bộ làm giàu chính đáng. Phải cố gắng làm kinh tế và tôi thấy thế này là cũng đã ổn định rồi. Nông dân mà, phải có nhiều loại cây”.

Điều kiện đất đai, khí hậu mỗi vùng, mỗi địa phương khác nhau; chính vì thế việc phát triển các mô hình kinh tế cũng được chính quyền địa phương lẫn người dân cân nhắc, lựa chọn; làm sao vừa có thể đảm bảo phù hợp với quy hoạch trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của mỗi địa phương cũng như tập quán sản xuất, canh tác của bà con DTTS. Đặc biệt thông qua các chương trình khuyến nông, các dự án phát triển sản xuất trong vùng đồng bào DTTS đã giúp bà con dần chuyển từ trồng lúa, trồng mỳ sang một số loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó có cây chuối mốc.

Ông Uyl – Làng Tơd Răh, xã Bar Maih, huyện Chư Sê  cũng nói: “Trước mình đi mượn người ta, đi làm cho người ta; bây giờ có chuối rồi không đi làm cho người ta nữa”.

Ông Siu Bếp – Phó Chủ tịch UBND xã Bar Maih, huyện Chư Sê  cho biết: “Từ khi trồng cây chuối mốc thì đời sống của bà con so với trước kia đã nâng lên, cải thiện đáng kể. Tiếp tục triển khai cho các thôn, làng thấy hiệu quả mô hình ở làng Tơd Răh để nhân rộng ra tất cả 5 thôn, làng của xã”.

Cùng với những quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về đất ở, đất sản xuất và các chính sách đầu tư khác cho vùng đồng bào DTTS; cộng với mục tiêu, ý chí và quyết tâm thoát nghèo của chính bà con đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS của tỉnh từ 40,1% của năm 2015 dự kiến xuống còn dưới 6,25% vào cuối năm 2020 này. Và đây sẽ là động lực góp phần cho sự phát triển của các vùng đồng bào DTTS nói riêng cũng như sự phát triển chung của Gia Lai trong những năm tới./.

 Mỹ Tiến, R’Piên – Xuân Huy


Lượt xem: 63

Trả lời