Nhiều nội dung quan trọng được các đại biểu thảo luận tại tổ

Cập nhật 09/7/2020, 13:07:10

Hôm nay (9/7), Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021 bước sang ngày làm việc thứ 2. Nhiều nội dung quan trọng đặt ra trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của tỉnh trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới đã được các đại biểu thảo luận tại tổ trong phiên làm việc sáng nay.

Trước thực tế đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp theo Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều nhóm đối tượng thật sự khó khăn do đại dịch nhưng theo quy định của Nghị quyết là không được hỗ trợ. Do vậy, các đại biểu đề nghị cần mở rộng nhóm đối tượng được hỗ trợ nhằm giúp người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Bà Trần Lệ Nhung – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai nêu: “Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị quyết số 42 và 15 của TTCP  theo hướng mở rộng đối tượng, gồm người lao động phải nghỉ việc luân phiên, không gắn người lao động với doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động thật sự khó khăn. Đối với quy định không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì nên bỏ quy định về thu nhập, Ủy ban Thường vụ QH xem xét sửa đổi Luật BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi bị gián đoạn đóng BHYT. Tôi đề nghị các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay,  đồng thời có biện pháp xử lý rốt ráo đối với doanh nghiệp nợ đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động”.

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận tại tổ đó là việc phát triển điện mặt trời áp mái nhà hiện nay. Đối với lĩnh vực năng lượng mới này đòi hỏi cần phải có sự tính toán, quy hoạch cụ thể, tránh tình trạng phát triển ồ ạt.

Ông Nguyễn Duy Anh – Bí thư Huyện ủy Krông Pa, Gia Lai nói: “Đối với điện áp mái năng lượng mặt trời một số hộ gia đình trên địa bàn có nhu cầu nhưng nguồn điện tùy theo tuyến. Hiện nay, ngành điện khó khăn về nguồn dây tải điện, máy biến áp hạ thế”.

Ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng nêu: “Nếu làm được thì dòng điện đầu tư có hiệu quả sẽ thu hút nguồn lực đầu tư trong dân. Do đó phải khai thác bằng được hiệu quả này, điều kiện khai thác điện áp mái phải đảm bảo về cơ sở hạ tầng, yêu cầu về an toàn điện và đảm bảo môi trường xung quanh. Đây là bài toán đặt ra cho các địa phương”.

Những năm gần đây, việc nuôi chim yến phát triển ở nhiều huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Do vậy tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh trình dự thảo nghị quyết quy định khu vực nội thành của thành phố, xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Theo nhiều đại biểu, dự thảo nghị quyết nên quy định rõ hơn khu vực nào được nuôi và không được nuôi nhằm đảm bảo hiệu quả việc phát triển kinh tế cũng như công tác quản lý của địa phương, ngành chức năng.

Bà Nguyễn Thị Tường Linh – Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong khu vực nội thành có một số làng nội thành như: Plei Ốp, Pleiku Ró của TP.Pleiku; nếu không quy định để chăn nuôi thì có phù hợp hay không…. Các làng trong nội thành có được chăn nuôi hay không cần phải làm rõ. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể các ngành xác định vùng nuôi chim yến phù hợp với đặc thù của việc chim yến và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

Qua thảo luận tại tổ các đại biểu cho rằng, tội phạm, tệ nạn ma túy gia tăng và ngày càng trẻ hóa không chỉ gây lo ngại trong cộng đồng xã hội mà còn đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, giáo dục con em của các gia đình cũng như ngành chức năng.

Ông Lê Phan Lương – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai nêu thực trạng: Tình trạng tội phạm ma túy gia tăng, ngày càng trẻ hóa và sử dụng ma túy tập trung là thực tế lo ngại cần quan tâm xử lý hơn nữa nếu không sẽ làm tăng tội phạm trộm cắp, giết người…

Tại kỳ họp, các đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành cần có chính sách ưu tiên cho người DTTS khi thi tuyển công chức, viên chức nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ tại cơ sở; thực hiện kiên quyết các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng nhằm hạn chế tối đa tài nguyên rừng bị xâm hại; tăng cường các biện pháp quản lý và xử lý nhằm tránh tình trạng lộ lọt thông tin của Nhà nước, cá nhân và doanh nghiệp… Các đại biểu đề nghị cần quan tâm giải quyết kịp thời và tận gốc vấn đề trẻ em bị xâm hại. Đề nghị ngân hàng quan tâm khoanh, giãn nợ cho người dân, doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 nhằm giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh.

Theo chương trình làm việc, chiều nay các đại biểu sẽ thảo luận chung tại hội trường. Thông tin ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp sẽ được chuyển đến quý vị và các bạn trong bản tin sau.

 Thiên Thanh – Kim Châu – Thanh Sáng – Minh Trí


Lượt xem: 26

Trả lời