Nhiều hệ lụy khó lường từ việc vay lãi cao trong các hộ người DTTS ở huyện Ia Pa

Cập nhật 06/11/2017, 14:11:43

Cần tiền thì lấy ngay, đến mùa thu hoạch mới trả tiền lãi, tiền gốc. Đây là một trong nguyên nhân dẫn dụ khiến hàng trăm hộ dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ia Pa vay vốn với lãi suất cao để đầu tư cho sản xuất hay chi tiêu trong gia đình. Vay thì dễ nhưng trả nợ thì khó, nhiều gia đình trên địa bàn huyện nghèo này đang trở thành con nợ, thậm chí là mất nhà cửa, đất đai…

Để có tiền mua giống, phân bón đầu tư cho sản xuất và lo cho con đi học… những năm qua, bà Ni H’Ri ở thôn Ma Lin 2, xã Chư Mố, huyện Ia Pa đã vay của một tư thương hơn 50 triệu đồng.  Theo đó cứ 1 triệu đồng thì bà phải trả 30.000 đồng/tháng. Và cứ đến mùa thu hoạch mì, lúa… bà bán nông sản cho tư thương đã cho vay tiền để trừ nợ.

Bà H’Ri nói: “Mình vay ở đây  ngày nào mình muốn tới lấy cũng được vì mình làm ăn chung thủy, đàng hoàng thì bà đó mới cho chứ mấy người khác bà đó không có cho đâu. Trả gốc thì phải trả lãi chứ trả gốc mà lãi để đó thì đâu có được đâu, trả lãi trước, trả gốc sau”.

Để có tiền đầu tư cho sản xuất, lo cho con đi học, thậm chí là chi tiêu, mua sắm xe máy, thiết bị điện tử trong gia đình… nhiều hộ ở xã Chư Mố đã chấp nhận thậm chí là liều lĩnh vay tiền của tư thương bên ngoài với lãi suất cao, cứ 1 triệu đồng thì 30.000 hay 50.000 đồng tiền lãi mỗi tháng. Người dân suy nghĩ đơn giản rằng, cứ đến mùa thu hoạch thì mới trả nợ nên khi cần tiền, người dân cứ vô tư vay rồi tính sau… Chỉ tính riêng tại thôn Ama H’Đá có 231 hộ thì đã có 80% số hộ vay của tư thương với lãi suất cao.

Anh Ksor Nuy-Trưởng thôn Ama HĐá, xã Chư Mố, huyện Ia Pa  cho biết: “Hầu như nhà nào cũng vay. Lãi cao như vậy nhưng muốn vay lúc nào thì có lúc đó nếu vay ngân hàng thì hồ sơ hơi lâu, còn vay con buôn rất nhanh, muốn là có”.

Theo thống kê, hiện tại 10 xã, thị trấn của huyện Ia Pa có hơn 670 hộ vay vốn của tư thương trên địa bàn huyện và thị xã Ayun Pa với số tiền gốc lên đến 16 tỉ đồng cùng với tiền lãi đã lên đến 60 tỉ đồng. Đến khi thu hoạch, những người vay sẽ trả bằng nông sản hoặc tiền mặt. Dù “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” nhưng giá cả nông sản bấp bênh, được mùa mất giá, được giá mất mùa… nên nhiều hộ cứ nợ dai dẳng khi chỉ quanh năm trả tiền lãi mà không thể trả tiền gốc. Điều đáng nói là có hộ rơi vào cảnh mất nhà mất cửa.

Anh Ksor Trim-Trưởng thôn Tơ Khế, xã Ia Tul, huyện Ia Pa cũng cho biết: “Thôn Tơ Khế có 2 hộ bị người ta siết vườn đất rồi, thậm chí rẫy người ta cũng thu luôn. Vì trước đây họ vay thời gian rất dài, không trả được lãi lẫn gốc. 2 hộ đó bị siết đất giờ rất khó khăn bởi họ làm nông mà không có đất làm ăn thì rất khó khăn. Cũng may là bên quản lý, bảo vệ rừng đưa những đối tượng khó khăn đi bảo vệ rừng, mai mốt họ cắt thì không biết bà con biết đường nào mà làm ăn nữa”.

Ông Nguyễn Phi Loan-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Tul, huyện Ia Pa xác nhận: “Hiện nay, trên địa bàn xã vay cả gốc và lãi là trên 3,5 tỉ đồng. Đặc biệt các thôn nghèo thì thường xuyên vay, bên cạnh đó họ cũng lấy phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn hàng ngày… tính nhiều năm cộng lại thì lên số tiền rất cao. Hiện tại vay 1 triệu thì lấy 50 ngàn, 10 triệu thì 500.000 ngàn đồng”.

Tuyên truyền, vận động bà con và phối hợp với ngân hàng đứng chân trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn để đầu tư, phát triển sản xuất… Đây là giải pháp đã và đang được các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn huyện Ia Pa thực hiện nhằm góp phần hạn chế tình trạng người dân vay vốn với lãi suất cao. Tuy nhiên, khi số nợ gốc lẫn lãi và số hộ vay chưa dừng lại ở đó thì sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường, nhiều người không chỉ làm thuê trên đất của mình mà còn mất tư liệu sản xuất, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội và an ninh trật tự của địa phương./.

Thiên Thanh;  Duy Linh


Lượt xem: 95

Trả lời