Nhãn lồng Hưng Yên trên đất Đăk Pơ

Cập nhật 21/9/2017, 15:09:23

Chọn vùng đất Đak Pơ lập nghiệp và xem đây là quê hương thứ 2,  nhận thấy thổ nhưỡng, thời tiết nơi đây tương đối thuận lợi để phát triển cây nhãn, năm 1996, ông Nguyễn Quang Phúc,  làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ đã trở về quê Hưng Yên để học hỏi kinh nghiệm, từ đó đưa giống nhãn lồng Hưng Yên ( hay còn gọi là nhãn Hưng Chi) vào Đak Pơ để phát triển kinh tế. Sau hơn 20 năm trồng, chăm sóc, giống nhãn lồng Hưng Yên trên đất Đak Pơ giờ đây được thị trường ưa chuộng, mỗi năm giúp gia đình ông  Phúc thu về hàng trăm triệu đồng.

Những ngày này, gần 200 gốc nhãn lồng Hưng Yên của gia đình ông Nguyễn Quang Phúc được các thương lái đến tận vườn thu mua. Ngày ít, ông Phúc bán khoảng 1 tấn nhãn, ngày cao điểm lên tới hơn 3 tấn. Theo tính toán của ông, năng suất vườn cây vụ này đạt từ 15 đến 17 tấn nhãn và với giá thị trường thu mua hiện nay dao động khoảng 35 triệu đồng/ tấn, ông Nguyễn Quang Phúc thu về hơn 500 triệu đồng.

Ông Phúc nói: “Làm cho cây tốt đã, ta kiểm soát sâu bệnh cho  kỹ, trong lúc có trái là ta phải chăm cho đủ phân, đủ nước thì cây sẽ cho sản phẩm tốt. Cái mức độ chăm sóc của nó thì phải ngay từ ban đầu, từ lúc mình xử lý cho ra bông, ra trái là phải đúng thời điểm”.

Ông Nguyễn Quang Phúc cũng chia sẻ, trước đây khi vào Đak Pơ lập nghiệp, ông cùng gia đình đã dồn lực để phát triển cây mỳ và táo, nhưng hiệu quả đem lại không cao. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, ông quyết định chuyển sang trồng nhãn lồng Hưng Yên. Dù rằng lúc đầu gặp không ít khó khăn, song vừa trồng, chăm sóc, vừa tích lũy và học hỏi kiến thức, đến nay, ông đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm quý giá để vươn lên làm giàu từ cây nhãn.

Ông Phúc  cho biết thêm: “Cái chính là mình phải xem chất đất của mình xem nó có phù hợp không nữa. Nhãn chủ yếu sống ở chất đất pha cát và cát là phù hợp nhất. Còn đất thịt thì ngay ban đầu thì tốt nhưng khi mang trái thì trái không lớn, không to, mà khi chăm sóc bón phân thì rất là chậm, không kịp thời cho cây nhãn phát triển. Đất pha cát thì thấm phân nhanh và đưa lên trái nhanh hơn, thương phẩm thì tốt và trái lại đẹp”.

Với quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhãn lồng Hưng Yên của gia đình ông Nguyễn Quang Phúc được bạn hàng đánh giá cao. Không chỉ bán ở thị trường nội địa như Gia Lai, Đà Nẵng, Quy Nhơn; sản phẩm  còn được thương lái xuất bán sang cả Thái Lan, Lào và Campuchia.

 Anh Nguyễn Thành Lý – Đại lý thu mua – Tổ 6, phường An Phú, thị xã An Khê, Gia Lai nói: “Chất lượng của nhãn thì nó giòn, ngọt và ít nước hơn nhãn ở trong này. Cho nên giá hơi cao một chút nhưng khách lại rất ưa chuộng”.

Ông Trần Vũ Thanh – PCT UBND xã Phú An, Đak Pơ, Gia Lai cho biết: “Trong thời gian tới thì chính quyền địa phương cho bà con học tập những mô hình này, tiếp tục nhân rộng, mở rộng ra để bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn”.

Trong dự định của ông Nguyễn Quang Phúc, thời gian tới ông sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng nhãn lồng Hưng Yên trên đất Đak Pơ chứ không dừng ở 1ha như hiện nay. Đồng thời ông sẽ khảo sát để trồng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Đoàn Bình, Thanh Sáng

 

 


Lượt xem: 165

Trả lời