Nguyễn Ngọc Tư – Chàng trai trẻ với dự án bảo tồn lan rừng vùng biên giới Đức Cơ

Cập nhật 20/7/2020, 09:07:39

Xót xa khi nhìn thấy những cánh rừng nơi biên giới vắng bóng dần các loại lan, anh Nguyễn Ngọc Tư, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã tìm cách nhân giống, bảo tồn. Áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đến nay vườn lan của anh đã hàng trăm nghìn giò lan giống bản địa quý cùng hàng triệu triệu cây giống đang được ươm trong phòng thí nghiệm. Đây cũng không chỉ là hướng bảo tồn bền vững mà còn tạo nên nguồn thu nhập kinh tế hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho địa phương từ mặt hàng này.

Sau nhiều ấp ủ, từ năm 2016, dự án bảo tồn lan rừng quý đã được Nguyễn Ngọc Tư, một kỹ sư nông nghiệp bắt tay thực hiện. Vốn là một người mê lan rừng, lại sẵn những kiến thức về sinh học nên ý tưởng của anh nhanh chóng được triển khai. Bắt đầu bằng những chu yến lên rừng tìm kiếm, đưa các loại lan quý ở cánh rừng biên giới huyện Đức Cơ về vườn chăm sóc và sau đó là những tháng ngày miệt mài tìm tòi nghiên cứu, chăm sóc đặc biệt cho mỗi loài lan khác nhau. Đến nay, vườn của anh Tư đã có hàng trăm nghìn giò lan bản địa.

Anh Nguyễn Ngọc Tư – Thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai nói: “Mình thấy nguồn mọi người đi thu từ rừng về rất nhiều, thu hoạch đến độ sẽ không còn cây giống nữa. Lúc đó thì mình cũng được đào tạo qua công nghệ sinh học nên mình nghĩ ra ý tưởng là phải bảo tồn giống này, nuôi giống cây này ở môi trường Đức Cơ để cung cấp cho người chơi nơi khác.”

Nhận thấy nhu cầu chơi lan ngày càng nhiều, anh Tư quyết định chọn phương pháp gieo hạt bằng cách nuôi cấy trong phòng thí nghiệm mà ở địa phương chưa ai làm. Ưu điểm của phương pháp này là tạo nên số lượng cây con cao gấp nhiều lần so với cây giống trong tự nhiên. Đặc biệt, không chỉ bảo tồn những loại lan rừng bản địa trước nguy cơ mai một, anh Tư còn phải tìm cách nhân giống những nguồn gen lan quý hiếm.

Anh Tư chia sẻ: “Thu thập những giống trong người dân và thu thập những giống người chuyên đi thu hoạch lan rừng, mình đã tạo ra giống đầu dòng từ đó chọn ra những giống, từ đó chọn ra những giống có mặt hoa đẹp và có giá trị thương mại cao thì mình thụ phấn, chuyển vào phòng thí nghiệm, nuôi trong môi trường nuôi cấy mô, từ đó tạo ra cây thương phẩm và xuất ra thị trường. Mình mong muốn là sau này nhà nước công nhận cây lan là cây nông nghiệp để tạo ra nhiều mô hình phát triển cây Phong Lan, giúp cho các hộ nông dân, nhà vườn sản xuất, kinh doanh cây Phong Lan vừa bảo vệ nguồn giống Lan rừng, vừa phát triển kinh tế tốt.”

Với quyết định táo bạo của mình, dự án bảo tồn lan quý của chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Tư đã đem lại những kết quả ngoài mong đợi. Cùng với việc mang lại nguồn thu nhập ổn định cho anh và cả chục lao động, kỹ sư làm việc tại đây, dự án còn góp phần vào việc bảo tồn những dòng lan quý đang dần vắng bóng ngoài tự nhiên. Dự án này còn mở ra một cơ hội phát triển kinh tế khi trào lưu chơi hoa lan rừng đang được đông đảo người dân hưởng ứng./.

Đoàn Bình, Thanh Sáng


Lượt xem: 75

Trả lời