Người chăn nuôi Chư Pah khó khăn khi tái đàn

Cập nhật 14/10/2019, 09:10:26

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Chư Pah, ca bệnh dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tại thôn 9, xã Nghĩa Hưng vào ngày 18/8. Đến nay đã có 12 thôn, làng ở 6 xã, thị trấn có dịch tả lợn Châu Phi. Sau hơn 1,5 tháng có dịch, UBND huyện Chư Pah vừa xuất ngân sách gần 250 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ có lợn bị tiêu hủy trong đợt 1. Điều đáng nói là trong khi dịch vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác, việc tái đàn của các hộ chăn nuôi gặp không ít khó khăn.

Qua thống kê của Phòng NN & PTNT huyện Chư Pah từ ngày 21/8 đến 16/9/2019 tại 3 xã: Nghĩa Hưng, Ia Khươl, Hòa Phú có 55 hộ có lợn buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 8,5 tấn lợn nái, lợn đực, lợn con và lợn thịt các loại.  Trong đó, xã Nghĩa Hưng có nhiều hộ bị thiệt hại nhất với 30 hộ, số lượng lợn buộc phải tiêu hủy hơn 8 tấn với tổng số tiền hỗ trợ cho các hộ trong đợt 1 (từ ngày 21/8/2019 đến 16/9/2019)là hơn 205 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, tính đến ngày 3/10 dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xuất hiện rải rác tại một số hộ chăn nuôi và kể từ khi có dịch đã có 46 hộ ở 5 thôn, làng trên địa bàn xã Nghĩa Hưng có lợn bị dịch tả Châu Phi với tổng trọng lượng lợn các loại phải tiêu hủy hơn 11 tấn.

Gia đình bà Trần Thị Hà ở thôn 1 có 11 con heo nái, heo thịt phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi vào ngày 16/9 vừa qua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khó khăn chồng chất khó khăn đối với gia đình bà khi chuồng trại buộc phải để trống, nguồn thu nhập từ chăn nuôi lợn trong năm nay xem như không có.

Bà Trần Thị Hà – Xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai nói: “Mấy năm nay heo rớt giá, vừa rồi heo bị tiêu hủy khó khăn. Gia đình mong muốn nhà nước hỗ trợ thêm để tái nuôi, có thu nhập”.

Ông Huỳnh Trọng Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Xã đã triển khai cho 13 thôn, làng phun tiêu độc khử trùng. Heo dịch phải báo với cán bộ thú y để tiêu hủy kịp thời chứ không mua bán, giết mổ heo dịch ra khỏi địa bàn  Khó khăn là một số hộ đồng bào DTTS không nhận thức được dịch bệnh, một số hộ khi heo bỏ ăn, có nguy cơ dịch thì họ thịt ăn, sợ như thế, trường hợp đó vẫn có ở một số làng”.

Khi dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn xuất hiện rải rác nên nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Chư Pah rất ngại khi tái đàn. Theo thống kê của Phòng NN & PTNT huyện Chư Pah đến nay đã có 12 thôn, làng ở 6 xã, thị trấn, gồm: Nghĩa Hưng, Hòa Phú, Ia Khươl, Chư Đăng Ya, Ia Nhin và thị trấn Phú Hòa có dịch tả lợn Châu Phi, với gần 16 tấn lợn các loại phải tiêu hủy.

Ông Nguyễn Văn Chơn – Xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai bày tỏ: “Bình thường gia đình nuôi 3 heo nái, 1 năm được 4-6 lứa, có bao nhiêu nuôi bấy nhiêu. Thực tế hiện nay chưa dám nuôi lại, rất khó khăn cho gia đình trong thời gian sắp tới”.

Ông Trần Đắc Thắng – Phó Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Liên quan đến công tác phòng, chống dịch và tái đàn thì vắcxin phòng bệnh cho lợn trước khi tái đàn thì không có vắcxin nên cũng khó khăn để thực hiện tái đàn của các hộ dân. Để khắc phục phần nào khó khăn, phòng và trung tâm cũng khuyến cáo người dân chăn nuôi tái đàn theo hướng sạch để giảm tác nhân gây bệnh”.

Trong khi chưa thể tái đàn, một số hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Chư Pah đã chuyển sang nuôi gia cầm để phần nào có nguồn thu, chi tiêu trong gia đình. Trước những hậu quả do dịch tả lợn Châu Phi gây ra, nhiều dự báo cho thấy sẽ có đợt khan hàng, tăng giá lợn hơi trên diện rộng trong cả nước từ nay đến cuối năm. Bởi tổng đàn heo của cả nước đến nay giảm trên 18%, sản lượng giảm 9 – 10%. Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn: nếu  giảm 1% thịt heo phải tăng 5% gia cầm và tăng đến 10% thịt bò mới bù đắp đủ./.

Thiên Thanh, Huy Toàn


Lượt xem: 92

Trả lời