Ngôi nhà thứ 2 đầy yêu thương

Cập nhật 22/4/2024, 06:04:18

Thương các em học sinh nơi biên giới đi học xa xôi, cách trở, quyết tâm không để các em phải gác lại giấc mơ đến trường do hoàn cảnh khó khăn, bằng cả tấm lòng và trách nhiệm, Trung đoàn Kinh tế – Quốc phòng 710, Binh đoàn 15 đóng quân tại xã Ia Mơr, huyện Chư Prông đã xây dựng nhàbán trú tại xã Ia Boòng, huyện Chư Prông để giúp các em có chỗ ăn ở gần trường, thuận lợi trong việc học tập, sinh hoạt.

Vượt qua hàng chục km đường rừng để đưa con đến điểmnhà bán trú vào mỗi sáng thứ 2, trên chiếc xe máy chở con, chở cặp sách, anh Hà Văn An ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông cùng nhiều người lao động khác còn chở cả những hành trang để con mình sinh hoạt trong những ngày xa cha mẹ để học con chữ. Tại điểm nhà bán trú tại xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, đầu mỗi tuần, người lao động thuộc Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 gửi con ăn, ở tại đây rồi lại đón con trở về nhà vào mỗi chiều thứ 6.

Anh Hà Văn An – Đội 6, Trung đoàn Kinh tế – Quốc phòng 710, Binh đoàn 15 chia sẻ: “Từ khi có nhà bán trú này thì con cái được chăm sóc chu đáo, đi học có cô đưa đi, anh em công nhân làm việc cũng yên tâm hơn.”

Điểm nhà bán trú được Trung đoàn Kinh tế – Quốc phòng 710 xây dựng từ nhiều năm nay. Nơi đây đang chăm sóc hơn 30 em là con của các công nhân, người lao động thuộc đơn vị, nhà cách xa trường học.Các em ở đây cả tuần để học tại các trường trên địa bàn, trong khi bố mẹ bận làm việc ở xa. Phụ huynh sẽ thay phiên nhau tới hỗ trợ cô giáo chăm sóc các con.

Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến – Cô nuôi dạy trẻ, Trung đoàn Kinh tế – Quốc phòng 710, Binh đoàn 15 cho biết: “Trung đoàn thành lập điểm bán trú để tạo chỗ ăn, ngủ học hành cho con em công nhân, để công nhân yên tâm công tác, làm việc. Các em từ mẫu giáo đến cấp 1, cấp 2, cấp 3 đều ở đây. Công việc cũng giống như gia đình mình, cho các con ăn, ngủ, như người mẹ thứ 2 vậy.”

Xa gia đình, thiếu sự chăm sóc của bố, mẹ, khó khăn, thiếu thốn, nhưng các em luôn vươn lên, rèn luyện. Lớn giúp bé, giúp nhau giặt giũ, nấu ăn, bảo ban nhau học bài. Giờ ăn đến, không phải để cô nhắc nhở, cô chia cơm, các em tự vào chỗ ngồi, chuyển bát cho nhau, trật tự, gọn sạch. Trong gian khó, những đứa trẻ như càng rắn rỏi hơn, tự lập, thích nghi môi trường và hoàn cảnh sống.

 Em Bùi Thị Huê – Lớp 9, Trường THCS Nguyễn Trãi, huyện Chư Prông nói: “Từ nhà em đến trường khoảng 20 cây số, từ khi có nhà bán trú thì con đường đến trường của em được rút ngắn lại. Em sống ở đây được 5 năm rồi ạ, em ở đây e thấy rất vui, có các em, có cô chăm sóc, dù không có bố mẹ ở bên chăm sóc nhưng có cô chăm sóc như vậy em cũng cảm thấy bù đắp được phần nào tình cảm.”

Nhờ được chăm sóc tương đối toàn diện từ nơi ăn chốn ngủ, từ đó các em có điều kiện quan tâm việc học của mình hơn, chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được nâng lên.

Em Nguyễn Thanh Thúy – Lớp 4A, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, xã Ia Bòong, huyện Chư Prông bày tỏ: “Được đi học em cảm thấy rất vui, em sẽ quyết tâm học giỏi, trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho mọi người.”

Cô giáo Đào Thị Huệ- Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, xã Ia Bòong, huyện Chư Prông nhận xét: “Các cháu ngoan ngoãn, nghe cô giáo giảng bài. Các cháu xa gia đình là thiệt thòi lớn, vì vậy ở trên lớp thầy cô cùng khích lệ, động viên.”

Thượng tá Lê Thanh Tùng – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn Kinh tế – Quốc phòng 710, Binh đoàn 15 cho biết: “Trung đoàn 710 đứng chân trên địa bàn biên giới, con em công nhân đi học rất xa. Từ năm 2017 Trung đoàn đã thành lập 2 điểm bán trú ở 2 xã Ia Boòng và Ia Piơr. Trung đoàn đã bố trí cô giáo mầm non trực tiếp ra điểm bán trú quản lý, chăm sóc các cháu. Mô hình điểm bán trú mang lại hiệu quả rất thiết thực, được chính quyền địa phương, nhân dân rất tin tưởng. Từ đó người lao động yên tâm lao động sản xuất…”

Sự học ở vùng biên giới còn lắm khó khăn. Nhưng với sự hỗ trợ của bộ đội và với những nỗ lực của những người cha người mẹ trong ngôi nhà thứ hai đã tạo động lực và gieo những hy vọng để giúp các em chinh phục những ước mơ.

Nhâm Dung – R’Piên


Lượt xem: 6

Trả lời