Ngôi nhà chung của học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Phú Thiện

Cập nhật 16/1/2023, 06:01:06

Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Phú Thiện là ngôi trường chuyên biệt của con em đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Phú Thiện. Cùng với việc truyền dạy kiến thức, thời gian qua, nhà trường còn quan tâm giảng dạy các kỹ năng sống cho các em học sinh, đồng thời đẩy mạnh các phong trào, hoạt động sinh hoạt ngoại khóa nhằm giúp các em hiểu hơn về truyền thống, từ đó ra sức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Phú Thiện hiện có gần 300 học sinh theo học ở 9 lớp từ lớp 6 đến lớp 9. Ngoài học sinh dân tộc Jrai và Bahnar chiếm đến 90% thì còn có các dân tộc khác như: Tày, Nùng, Thái… Ngay từ khi các em học sinh mới bước vào trường, các thầy cô giáo thường xuyên quan tâm, động viên, giảng dạy các em kỹ năng sống để các em vơi đi nỗi nhớ nhà và có thể sống tự lập, từ đó chuyên tâm học tập, sinh hoạt trong môi trường nội trú với nhiều bạn bè cùng trang lứa.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung – Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Phú Thiện cho biết: “Ngoài việc dạy trên lớp truyền đạt kiến thức cho các em, trong những tiết trực ở trường hay ra chơi chúng tôi cũng tâm sự, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em, nhu cầu học của các em để chúng tôi chọn phương pháp mới đạt hiệu quả trong giờ dạy để các em vừa vui chơi và có những giờ bổ ích trong ngôi trường chuyên biệt này”.

Để giúp các em học sinh hiểu và tự hào với truyền thống văn hóa của dân tộc mình, đồng thời tạo những giờ học, sinh hoạt hấp dẫn, ý nghĩa đối với các em, những năm qua, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Phú Thiện còn thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS trong trường học. Ngoài việc vào thứ 2, thứ 5 hàng tuần, tất cả Ban Giám hiệu, thầy cô giáo và học sinh cùng mặc trang phục truyền thống của đồng bào DTTS, nhà trường còn thành lập đội văn nghệ, đội cồng chiêng, đội bắn nỏ, thu hút nhiều học sinh ở các khối lớp tham gia. Đến nay các em có thể phối hợp biểu diễn nhuần nhuyễn một số bài hát như: Mừng lúa mới, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng… Nhờ vậy không chỉ tạo thêm sự gắn kết giữa các em học sinh mà còn góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS ngay trong các hoạt động của nhà trường.

Em Ksor H’Thiệp – Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Phú Thiện nói: “Giờ giải lao hay buổi tối để giải tỏa những áp lực học tập, thầy dạy cho tụi em múa xoan, cồng chiêng để tụi em tập kỹ năng, phong tục của địa phương.  Em rất tự hào về phong tục, bản sắc của dân tộc mình và giữ truyền thống đó mãi mãi”.

Em Lương Sơn Hoàng Gia – Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Phú Thiện chia sẻ: “Em rất tự hào khi vô đội cồng chiêng và được đánh bài truyền thống của dân tộc mình. Em mong muốn cồng chiêng sẽ được lan truyền trên khắp thế giới”.

Thầy giáo Nay Yel – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Phú Thiện cho biết: “Ngoài việc tổ chức học tập trong lớp, nhà trường tổ chức cho các em tham gia các hoạt động trong nhà trường như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để các em ăn ở tại trường quên đi việc xa bố mẹ. Ở với thầy cô, thầy cô coi các em như con cháu trong gia đình, dạy cho các em cái chữ để sau này tạo nguồn cán bộ cho thôn, làng, xã”.

Từ chỗ còn bỡ ngỡ, lạ lẫm khi học tập, sinh hoạt trong môi trường nội trú, đến nay, nhiều học sinh DTTS trên địa bàn huyện Phú Thiện đã xem Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Phú Thiện như ngôi nhà chung của mình. Với sự tận tình dìu dắt, dạy chữ, dạy người của các thầy cô giáo, nhiều thế hệ học sinh của nhà trường đã khôn lớn, trưởng thành và trở thành đội ngũ cán bộ nguồn DTTS cho các địa phương trên địa bàn huyện. Qua đó góp phần ghi dấu những công lao dạy dỗ của các thầy cô giáo qua quá trình 10 năm thành lập trường, từ đó không ngừng khẳng định vị thế của nhà trường trong hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh./.

Thiên Thanh, Minh Vũ


Lượt xem: 6

Trả lời