Nghề làm mứt Tết – góp phần gìn giữ hương vị tết truyền thống

Cập nhật 24/1/2022, 10:01:00

Bánh, mứt là một trong những thức ăn đặc trưng của Tết cổ truyền dân tộc từ bao đời nay. Theo thời gian, hầu hết các món ăn, thức uống ngày tết đã được công nghiệp hóa và được bày bán rộng khắp trên thị trường khiến các nghề làm “đặc sản” ngày Tết như bánh, mứt thủ công đang dần bị mai một. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ nữ nặng lòng và quyết tâm giữ gìn hương vị ngày tết cổ truyền bằng cách tự làm các món mứt truyền thống. Không chỉ góp phần giữ lửa nghề truyền thống, việc làm này còn giúp các chị kiếm thêm thu nhập khi được khá nhiều người quen đặt hàng.

Thời điểm giáp Tết như hiện nay cũng là lúc bếp của gia đình bà Võ Thị Thu Ánh luôn đỏ lửa. Những mẻ mứt liên tiếp nhau ra đời để kịp trả các đơn hàng cho khách quen. Được tiếp xúc với nghề làm mứt từ nhỏ, khi lớn lên, mặc dù trên thị trường có bán sẵn rất nhiều loại nhưng bà vẫn cố gắng giữ thói quen tự làm bánh mứt mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Bà Võ Thị Thu Ánh, Tổ 4, phường Yên Thế, thành phố Pleiku nói: “Lúc nhỏ thì tôi học của bà, của mẹ tôi. Sau này thì tôi cũng làm để ăn và cho con cháu trong nhà biết được cái Tết truyền thống là như thế nào. Khách đặt tôi thì một năm cũng được trên trăm ký, chủ yếu là để ăn hoặc làm quà biếu tặng”.

Theo bà Ánh, việc làm mứt tết truyền thống mặc dù không quá phức tạp nhưng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ với nhiều công đoạn như sơ chế, ngâm nước, ngâm đường, ngào đường… Tuy quy trình chung là vậy song dựa vào kinh nghiệm, bí quyết riêng của mỗi người mà cho ra sản phẩm với chất lượng khác nhau. Ngoài làm các loại mứt như mứt dừa, mứt gừng, bà Ánh còn tìm tòi để làm mứt nghệ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khách hàng. Nhờ có tay nghề lâu năm cộng với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm mứt của bà Ánh luôn được mọi người yêu thích. Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, số lượng khách tìm đến đặt sản phẩm mứt tết của bà Ánh ngày càng nhiều. Ngoài kiếm thêm thu nhập trong mùa Tết, đây còn là động lực để bà Ánh tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống này.

Chị Nguyễn Thị Sim, Chủ tịch Hội LHPN phường Yên Thế, thành phố Pleiku cho biết: “Trong mỗi dịp đến Tết cổ truyền, trên địa bàn phường có rất nhiều chị vẫn còn gìn giữ được các nghề truyền thống. Nhờ bàn tay khéo léo của các chị đã giúp cho mọi người có cơ hội để cảm nhận được những món ăn mang đậm chất truyền thống và cũng là cách để các chị có nguồn thu nhập khá ổn định trong thời điểm này. Chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền các chị về vấn đề đảm bảo ATTP và thấy giá cả thì cũng mềm”.

Trong tiết trời tươi đẹp của mùa Xuân, chỉ cần vài loại mứt như mứt gừng, mứt dừa hiện diện cùng những ấm trà thơm nồng cũng đủ để mọi người cảm thấy đầy đủ hương sắc của một cái Tết cổ truyền. Không cần quá phức tạp, cầu kỳ, những sản phẩm truyền thống được làm thủ công luôn mang lại những hương vị riêng khiến không ít người nhớ mãi không thôi./.

 Ngô Thanh, Thanh Sáng


Lượt xem: 28

Trả lời