Ngày làm việc thứ hai – Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa XI: Đại biểu tiếp tục thảo luận tổ

Cập nhật 09/7/2019, 13:07:57

Hôm nay (9/7), Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh khóa XI bước sang ngày làm việc thứ hai. Theo chương trình làm việc, buổi sáng các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ.

Nhiều nhóm vấn đề tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu trong quá trình thảo luận. Theo kế hoạch, năm 2019 mục tiêu đặt ra là giá trị sản xuất nông nghiệp phải đạt 28 ngàn tỷ đồng, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm lĩnh vực này chỉ đạt trên 8 ngàn tỷ đồng. Vì vậy để đạt được mục tiêu đặt ra là áp lực rất lớn đối với ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại đối với chỉ tiêu này nếu ngành nông nghiệp không kịp thời có các giải pháp quyết liệt:

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Gia Lai nêu: “Nếu không có biện pháp chuyển đổi cây trồng sang các loại cây trồng khác sẽ gặp nhiều khó khăn, khó đạt chỉ tiêu. Vì nông nghiệp đòi hỏi có thời gian, nếu trước đây hoặc ngay bây giờ không thực hiện sẽ khó đạt”.

 Cũng trên lĩnh vực nông nghiệp, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự lo ngại trước những tác động của giá cả một số sản phẩm chủ lực như: Cà phê, hồ tiêu, cao su giảm thấp, trong khi đó sâu bệnh gây hại trên cây trồng tiếp tục gia tăng, trong đó đáng lo ngại về sự xuất hiện của sâu keo, một loại sâu đa thực, có thể gây hại trên 80 loại cây trồng khác nhau. Loại sâu này hiện nay đã xuất hiện tại 11 địa phương trong tỉnh gây hại hơn 5.500 ha ngô. Trước những tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua, đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu kế hoạch đặt ra trong năm 2019.

Lĩnh vực đất đai là vấn đề nhận được nhiều ý kiến kiến nghị của đông đảo cử tri, chiếm đến 80% trong tổng số đơn thư khiếu nại của công dân do tình trạng chậm trễ trong quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến việc cấp mới, đổi sổ…Giải quyết vấn đề này, có ý kiến đề nghị UBND tỉnh cần có sự chỉ đạo kiên quyết hơn đối với ngành chức năng.

 Thực hiện kế hoạch về thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, đến nay các địa phương đã thu hồi được 30 ngàn hecta. Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng nên xác định mức thời gian để thu hồi để vẫn đảm bảo cuộc sống cho người dân thuộc đối tượng bị thu hồi đất.

Ông Võ Anh Tuấn – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Vì phần lớn diện tích bị lấn chiếm chủ yếu rơi vào các hộ nghèo dân tộc thiểu số. Cuộc sống hiện nay gặp nhiều khó khăn, nếu không có sự tính toán, cân nhắc sẽ đẩy cuộc sống các hộ này vào khó khăn hơn”.

Đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhiều đại biểu đề nghị các ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc liên quan đến sai phạm trong việc triển khai công tác này.

Ông Trần Hữu Đức- Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra Tỉnh Gia Lai ý kiến : “Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đang tiến hành thanh tra các công ty lâm nghiệp và các ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra phát hiện một số đơn vị sai phạm. Qua đó chúng tôi cũng đề nghị phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm”.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhất là cần có cơ chế chính sách mang tính đặc thù đối với sinh viên thuộc diện cử tuyển.

Ông Ngô Khắc Ngọc- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện Đak Pơ, Gia Lai nêu vấn đề: “Bên cạnh có cơ chế đặc thù về hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh là đồng bào DTTS hoàn thành bậc THPT thì cũng cần phải có cơ chế đặc thù đối với việc tuyển vào công chức, viên chức đối với các sinh viên là người DTTS sau khi đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học. Theo tôi cần phải tổ chức kỳ thi dành riêng cho sinh viên là người DTTS sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học”.

Đối với vấn đề “tín dụng đen”, nhiều đại biểu cho rằng vấn nạn này vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong tỉnh. Cơ quan công an cần có đánh giá chính xác thực trạng, từ đó đưa ra các giải pháp để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này.

Bà Đinh Ly An, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu: “Báo cáo của Công an tỉnh cho rằng, “tín dụng đen”cơ bản được kiềm chế, đẩy lùi, một số băng nhóm liên quan đến tín dụng đen tự giải tán, ngưng hoạt động… Tôi cho rằng đánh giá này chưa được khách quan vì theo quan sát tại nhiều địa phương, tín dụng đen vẫn còn diễn biến phức tạp. Các tỉnh triển khai tốt vấn đề ngăn chặn tín dụng đen, tôi đề nghị tỉnh ta cũng cần tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa để xử lý vấn nạn này”.

Tại các tổ, các đại biểu cũng có nhiều ý kiến đóng góp đối với hai tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh và 28 tờ trình của UBND tỉnh trình tại kỳ họp.

Theo chương trình làm việc, chiều nay các đại biểu sẽ thảo luận chung tại hội trường.

 

Hồng Uyên – Hà Đức – Minh Trí – Thanh Sáng


Lượt xem: 43

Trả lời