Ngăn chặn gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết – Giải pháp từ cộng đồng

Cập nhật 04/3/2016, 13:03:23

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2016, Gia Lai đã có trên 600 trường hợp mắc sốt xuất huyết ở 16/17 huyện, thị xã, thành phố. Trong khi thời điểm này năm 2015 toàn tỉnh chỉ ghi nhận 8 ca sốt xuất huyết thì con số này năm nay đã tăng cao bất thường. Thường các năm trước đến tháng 11 hàng năm dịch sốt xuất huyết giảm và bắt đầu tăng trong tháng 5 của năm sau.  Công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết đang rất cần sự vào cuộc chủ động, tích cực từ phía người dân.

 

Bệnh xuất hiện rải rác, 1 khu vực có 1 ca, làm cho công tác xử lý, khoanh vùng ổ dịch rất khó

Thành phố Pleiku là địa phương ghi nhận số người mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh với trên 160 trường hợp. Công tác tuyên truyền, xử lý các ổ dịch nhỏ đang được triển khai tích cực. Cái khó hiện nay là bệnh xuất hiện rải rác, 1 khu vực có 1 ca, làm cho công tác xử lý, khoanh vùng  ổ dịch rất khó. Cùng với sự vào cuộc xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ của ngành y tế, công tác phòng chống dịch quan trọng nhất vẫn là ý thức tự phòng bệnh của người dân.

Chị Nguyễn Thị Út, phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku nói: “Ở xung quanh đây rất nhiều muỗi. Gần đây có một bé mới bị sốt xuất huyết xong. Ngoài trách nhiệm của y tế thì người dân phải tự mình phòng bệnh, trong nhà không chứa hồ nước đậy nắp, ao hồ thả cá để ăn lăng quăng, đó là ý thức của từng cá nhân để phòng bệnh.

Rõ ràng, kiến thức của người dân về phòng bệnh sốt xuất huyết có tăng lên nhưng việc thực hành các biện pháp này vẫn chưa được nhiều người coi trọng. Nước đọng, các vật dụng chứa nước lâu ngày để xung quanh nhà như thế này chính là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển.  Thực tế cho thấy nhiều nơi người dân vẫn còn thờ ơ, không hợp tác với cán bộ y tế trong việc triển khai các biện pháp phòng bệnh.

Chị Phan Thị Nga – Phó Trưởng Trạm Y tế phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku cho biết: Nhiều người dân họ không ý thức nên mình vào phun thuốc diệt muỗi rất khó vận động. Nhiều người họ đóng cửa không cho vào.

"Cùng với việc phun thuốc diệt muỗi, mình vận động người nhà phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh, phun thuốc chỉ diệt muỗi trưởng thành thôi chứ để nước đọng vẫn gây lăng quăng, bọ gậy thường xuyên do đó  phải chú ý dọn dẹp, hàng ngày bỏ ra 15 phút dọn dẹp vệ sinh, môi trường xung quanh,” chị Nga nói.

Việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết khá đơn giản: Chỉ cần vệ sinh môi trường tốt, diệt lăng quăng bằng cách rửa các dụng cụ chứa nước thường xuyên, loại bỏ các vật liệu phế thải, lật úp các dụng cụ không chứa nước. Trong phòng ngừa diệt lăng quăng vẫn là biện pháp quan trọng nhất. Việc làm này cần có sự vào cuộc một cách tích cực, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và của cả cộng đồng. Có như vậy công tác phòng chống sốt xuất huyết mới thực sự mang lại hiệu quả./.

Kim Châu


Lượt xem: 65

Trả lời