Nay Khanh – Cậu bé với ước mơ trở thành nghệ nhân cồng chiêng

Cập nhật 16/10/2020, 08:10:52

Nhắc đến Tây Nguyên thì không thể thiếu được không gian văn hóa Cồng chiêng. Bởi với người dân Tây Nguyên, Cồng chiêng không chỉ là văn hóa tinh thần gắn liền với đời sống của người dân bản địa, mà nó còn là minh chứng cho các giai thoại phát triển của người dân nơi đây qua các bài chiêng. Với sự phát triển như ngày nay, cũng kéo theo những loại hình âm nhạc hiện đại khiến thế hệ trẻ không còn mặn mà với tiếng chiêng. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn còn những cậu bé với ước mơ trở thành một nghệ nhân cồng chiêng.

Được nghe tiếng cồng chiêng từ khi còn nằm trong bụng mẹ, rồi khi lớn lên những âm thanh đó đã in đậm trong tâm trí của Nay Khanh. Ở cái tuổi 15, khi mà những người bạn cùng trang lứa mải mê với những trò chơi online, những bộ phim hay nhạc hiện đại, nhưng đối với Nay Khanh, ngoài thời gian học tập trên trường hoặc những lúc không phải lên nương rẫy, em chỉ dành thời gian theo chân những lớn tuổi trong buôn để được nhìn cách họ chơi chiêng và nghe âm thanh độc đáo phát ra từ những chiếc chiêng. Nay Khanh chia sẻ, ban đầu tập luyện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự đam mê của mình, em đã cố gắng để vượt qua.

Nay Khanh – Buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa chia sẻ: “Đối với em trong quá trình tập luyện cồng chiêng, cái khó nhất là bước đầu vào đánh, rất khó để vào nhịp cùng với mọi người, vì cồng chiêng có rất nhiều loại khác nhau, để tạo ra sự kết hợp âm thanh hay nhất. Mỗi loại sẽ có một người đánh chính vì thế muốn hòa nhịp ban đầu là rất khó.”

Là ông nội, đồng thời cũng là người thầy của Nay Khanh, ông Kpă Bum là một trong những người lớn tuổi đánh chiêng hay nhất của buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok. Ông Bum chia sẻ, để dạy cho những người mới bắt đầu đánh chiêng như Nay Khanh thì bài học đầu tiên là phải biết tên từng chiếc chiêng, chiếc cồng và thứ tự đánh từng cái trong một bộ. Sau đó sẽ được học cách nghe âm, cảm âm rồi đến cách chơi nhiều người cùng một lúc và phối hợp với điệu xoang tạo thành một bài diễn xướng độc đáo.

Nghệ nhân Kpă Bum – Buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa nhận xét:  “Cháu Nay Khanh đánh rất tốt, rất hay, mới tập mà nó đánh thuộc hết. Trong quá trình tập luyện thì rất nghiêm túc và cũng có năng khiếu. Ông già gần đất xa trời thì con cháu phải cố gắng kế thừa, phải làm cho tốt đẹp hơn.”

Hiện nay, ngoài thời gian luyện tập ở nhà, Nay Khanh còn dành thời gian mỗi tối để đến  Lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cổ cho 20 thanh thiếu nhi dân tộc thiểu số do Trung tâm học tập cộng đồng xã Ia Rmok tổ chức, dạy về kỹ năng đánh cồng chiêng cổ cho thanh thiếu nhi trên địa bàn xã. Tuy chỉ mới hơn 1 tháng, nhưng Khanh và các bạn trong lớp học đã đánh thành thạo một số bài cồng chiêng.

Nay Khanh chia sẻ thêm:  “Em muốn trở thành một nghệ nhân đánh cồng chiêng giỏi giống như ông em. Em muốn mọi người khắp nơi biết đến nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Em sẽ giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa đó.”

Với niềm đam mê và sự quyết tâm của mình, chắc chắn sau này Nay Khanh sẽ trở thành một nghệ nhân cồng chiêng như em hằng mong ước và sẽ đưa tiếng cồng, tiếng chiêng của dân tộc mình ngân vang và còn mãi với thời gian.

CTV Nguyên Anh – Sơn Trung (Huyện Krông Pa)


Lượt xem: 36

Trả lời