Nan giải phòng trừ bệnh trắng lá mía 

Cập nhật 15/9/2018, 16:09:13

  Hàng trăm nông dân trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn do bệnh trắng lá mía diễn biến phức tạp với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, làm hại nhiều ha mía. Chính quyền địa phương, các ngành hữu quan cùng các nhà khoa học và bà con nông dân đã triển khai nhiều cách nhưng cho đến nay, việc phòng trừ bệnh trắng lá mía vẫn là nan giải. Phóng sự sau được thực hiện tại huyện Ia Pa- một trong những địa phương có vùng nguyên liệu mía lớn nhất tỉnh.

  Trên địa bàn huyện Ia Pa, ban đầu bệnh trắng lá mía chỉ xuất hiện ở vài ha và không tập trung, nhưng đã lây lan với cấp số nhân trên diện rộng, mức độ nghiêm trọng, diễn biến ngày càng phức tạp. Từ đầu năm 2018 đến nay,  huyện có 1.113 ha mía bị nhiễm bệnh này, bằng 102% so với niên vụ 2015-2016, bằng 164,8% so với niên vụ 2017-2018 và tiếp tục có chiều hướng gia tăng diện tích nhiễm bệnh. Đến nay, nông dân  đã phá bỏ hơn 500 ha mía bị nhiễm bệnh nặng, những diện tích nhiễm nhẹ nếu có để lại năng suất rất thấp.

Những năm qua, nông dân sản xuất mía gặp nhiều khó khăn vì giá mía xuống thấp, nhiều diện tích bị cháy và thu mua chậm, giờ bệnh trắng lá mía diễn biến phức tạp nên bà con càng khó khăn và khốn đốn hơn.

Ông Tạ Văn Khoát- xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Bệnh trắng lá mía gây thiệt hại nặng đối với nông dân, năng suất rất thấp. Có nhiều trường hợp trong vụ mía vừa rồi nhiều ha chỉ thu được một vài xe mía”.

Các ngành chức năng và chính quyền địa phương ở huyện Ia Pa đã hướng dẫn nông dân triển khai nhiều biện pháp như đưa giống mới vào sản xuất, phun thuốc bảo vệ thực vật, phá bỏ hoàn toàn đối với những diện tích có tỷ lệ nhiễm trên 30%… nhưng vẫn không hiệu quả vì bệnh này do dịch khuẩn bào Phytoplasma (trung gian giữa vi khuẩn và vi rút) gây ra, hiện chưa có thuốc đặc hiệu phòng trị. Nhiều nông dân ở huyện Ia Pa đã yêu cầu Nhà máy đường Ayun Pa cần  triển khai các chính sách để chia sẻ thiệt hại và tích cực phối hợp với bà con trong việc phòng trừ bệnh trắng lá mía đối với những diện tích áp dụng phương thức liên kết sản xuất giữa hai bên.

Về vấn đề này ông Vũ Đức Vinh- Nông dân xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Bà con có liên kết với Nhà máy đường Ayun Pa để sản xuất mía nhưng lâu nay, Nhà máy đường Ayun Pa chưa triển khai chính sách nào để cùng nông dân phòng trừ bệnh trắng lá mía. Chỉ có một mình nông dân gánh chịu thiệt hại do bệnh trắng lá mía gây ra”.

Để giảm thiểu sự lây lan và sự nghiêm trọng của bệnh trắng lá mía cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành hữu quan và các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân.

Ông Huỳnh Vĩnh Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Bệnh trắng lá mía không chỉ diễn ra ở Ia Pa, ở Gia Lai mà ở nhiều địa phương khác trong nước cũng như tại một số nước như Thái Lan có những vùng trồng mía bị rụi hoàn toàn vì bệnh này. Đối với huyện Ia Pa hiện có khoảng 1.500 ha mía bị nhiễm bệnh, chiếm 1/4 diện tích mía toàn tỉnh. Huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhưng sức lan tỏa của bệnh này rất lớn, không có thuốc đặc trị. Nguyên nhân thứ hai do nhiều người dân còn thờ ơ, chưa tích cực phòng trừ bệnh”./.

Hà Đức, R’Piên


Lượt xem: 109

Trả lời