Mưu sinh trên lòng hồ Ayun Hạ

Cập nhật 24/8/2017, 07:08:55

 Lòng hồ Ayun Hạ không chỉ được biết đến bởi những sản vật cá, tôm và vẻ đẹp bình yên, hùng vĩ của một vùng trời nước mênh mông. Mà ở đó còn hiện hữu cả một bức tranh sinh động về cuộc sống mưu sinh của hàng trăm con người quanh năm gắn bó với nghề chài lưới.

Nghề chài lưới là vậy, từ vùng nước ngọt, nước mặn, nơi nào có nhiều tôm cá thì nơi đó là chỗ neo đậu của những ngư dân. Trên lòng hồ Ayun Hạ hiện có khoảng 100 hộ dân làm nghề đánh, bắt cá. Họ là những ngư dân đến từ các tỉnh Bình Định, An Giang, Kiên Giang. Công việc đánh bắt cá của những ngư dân ở đây vẫn giữ theo cách đánh bắt cá truyền thống đó là dùng chài, lưới chứ tuyệt đối không chích điện. Trung bình mỗi ngày mỗi ngư dân kiếm được khoảng 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng, và khâu tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở đây cũng  thuận lợi.

Anh Nguyễn Văn Trung, một thương lái cho biết: “Tôi thu mua cá ở đây cũng được 3 đến 4 năm rồi, cá tươi sạch. Trước kia mỗi ngày tôi thu mua khoảng vài tạ đến 1 tấn nhưng nay ngày được khoảng 20 đến 30 kg thôi, có ngày không có. Cá ở đây chủ yếu là các thác lác, các mè dinh còn cá thả bữa nay hết rồi”.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề chài lưới trên lòng hồ Ayun Hạ, ông Phạm Văn Cường quê ở Bình Định hiểu hơn ai hết về cuộc sống vất vả mưu sinh ở đây. Bởi nguồn thu nhập từ nghề đánh bắt cá được nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết cũng như những lúc nước lên, nước xuống. Một ngày như mọi ngày,  từ sáng sớm đến chiều tối với công việc đánh bắt cá, ông Cường lại trở về với căn chòi tạm trên đảo, mà đảo này từ lâu người ta vẫn thường gọi là đảo “Cô đơn”. Vì vậy phương tiện duy nhất giúp người đàn ông này nắm bắt được những thông tin về thế giới bên ngoài chính là chiếc Radio cũ đã theo ông suốt nhiều năm qua.

 Ông Cường, Ngư dân trên lòng hồ cho biết: “Tôi dân ở Bình Định, lên đây cũng hơn 200 cây, những tháng nào làm được thì mình ở 1 đến 3 tháng rồi về thăm nhà còn những tháng nào làm ít thì sau 1 tháng về nhà…

Nói chung cuộc sống cũng bình thường thôi, hàng ngày đi làm về tự nấu cơm ăn rồi làm lưới bình thường. Ở đây nguồn thông tin chủ yếu là nghe Radio thôi”.

Khám phá về cảnh quan thiên nhiên ở lòng hồ Ayun Hạ cũng là cơ hội để mỗi người hiểu thêm về cuộc sống của những con người quanh năm gắn bó với vùng sông nước. Nhiều cặp vợ chồng ở đây chia sẻ rằng họ đã đến rất nhiều nơi, neo đậu rất nhiều bến bờ để mưu sinh với nghề. Chính vì thế mà những đứa trẻ sinh ra khi đến tuổi đi học cũng chịu thiệt thòi hơn so với những đứa trẻ khác trong việc đến trường.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tuyên một ngư dân khác  cũng nói: “Tại vì ở quê làm không đủ ăn nên vợ chồng vô đây làm cũng có tiền  mua gạo, chừng nào làm có được ít vốn thì tôi cũng tính đi về quê. ..chắc con đến tuổi đi học thì vợ chồng cũng tính về quê cho con  nó đi học chứ tội nghiệp nó, mình đi hoài cũng không được, về quê mình làm việc gì đó mình sống à”.

Một lần được đến với lòng hồ Ayun Hạ, có lẽ đọng lại trong mỗi người không chỉ là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những mẻ cá, tôm tươi ngon mà ở đó còn hiện hữu những ngôi chòi tạm trên đảo, những chiếc thuyền lênh đênh trên sông nước, mang bao khát vọng về một cuộc sống ấm no, về một tương lai tốt hơn của những ngư dân bao năm gắn bó với nghề chài lưới./.

Lệ Xuân – Kim Châu-  Minh Trí


Lượt xem: 106

Trả lời