Mùa mía đắng ở Krông Pa.

Cập nhật 11/3/2019, 08:03:27

Thời tiết bất lợi khiến cho chất lượng và sản lượng giảm, giá thu mua mía nguyên liệu xuống còn 700 đồng/kg là những nguyên nhân chính khiến cho bà con trồng mía ở huyện Krông Pa đứng trước một vụ mía “đắng”.

Năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hằng ở buôn Prong, xã Ia Mlah trồng 2,5 ha mía tại cánh đồng buôn Prong. Để hạn chế cây mía bị khô do thời tiết nắng nóng, gia đình đã thuê 30 lao động ngoài để chặt và thu gom mía. Vụ mía này gia đình bà đã đầu tư hơn 60 triệu đồng, đó là chưa kể chi phí thuê nhân công, với giá bán mía thấp như này, bà chỉ mong sao không bị lỗ.

Bà Hằng nói:  “So với mọi năm thì năm nay thì nó phải giảm mất một nữa. Mọi năm từ 90 đến 100 tấn  trên 1 ha thì năm nay chỉ đạt được 60 tấn. Tại vì nó nắng đó.”

Không chỉ gia đình bà Hằng, nhiều hộ trồng mía trên địa bàn huyện Krông Pa cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự, hộ may mắn thì chỉ lãi vài triệu đồng.

Chị Phạm Thị Vân – Huyện Krông Pa cũng cho biết:“Năm nay nói chung là về năng suất, sản lượng thì hụt hẳn so với năm ngoái. Năm ngoái thì 2,2 ha thì gia đình thu được 210 tấn, năm nay được có hơn 100 tấn.”

Vụ mía năm 2019, toàn huyện KrôngPa trồng khoảng 1.300 ha mía với các loại giống K95-84, LK92-11, KK3; tập trung chủ yếu ở các xã: Ia Rsai, xã Ia Mlah và thị trấn Phú Túc. Thời gian từ khi trồng đến thu hoạch mía kéo dài khoảng 12 tháng, đến nay toàn huyện đã thu hoạch khoảng 60% diện tích. Theo người dân, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chất lượng và sản lượng cây mía giảm là do thời tiết khô hạn cộng thêm nắng nóng. Bên cạnh đó, giá đường giảm nên giá mía cũng giảm theo, khiến cho nông dân rơi vào tình trạng khó khăn. Hiện nay, giá mía chỉ còn 700 đồng/ kg, giảm 100 đồng so với năm ngoái. Ngoài ra, tiền nhân công chặt mía cũng tăng 1.000 đồng/bó lên 1.500 đồng/ bó.

Ông Trịnh Thanh Khiết – Chủ tịch Hội nông dân huyện Krông Pa cho biết: “ “Trong thời gian tới, Hội nông dân huyện sẽ phối hợp với các ban, ngành để mà tuyên truyền cho hội viên nông dân phải chọn những khu vực đất có nước và diện tích rộng để trồng mang tính tập trung, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào để mà nâng cao sản lượng mía trên một đơn vị diện tích. Còn những diện tích nhỏ, không tập trung, thiếu nước để mà trồng thì định hướng là nông dẫn sẽ chuyển đổi sang các cây trồng khác phù hợp, để tránh tình trạng nhỏ lẻ rồi không có ký hợp đồng sản xuất bao tiêu với doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng trồng ra mà không được mua kịp thời, bị thua lỗ trong trồng mía”.

          Thời gian tới Hội nông dân huyện sẽ phối hợp với Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình cây mía trên địa bàn, gặp mặt các doanh nghiệp và nông dân để có những giải pháp thiết thực giúp nông dân không còn những vụ mía “đắng”.

 CTV Nguyên Anh – Sơn Trung  (Huyện Krông Pa)


Lượt xem: 94

Trả lời