Mang Yang phát triển kinh tế gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Cập nhật 15/3/2015, 11:03:51

Mang Yang là một huyện miền núi nằm ở phía đông tỉnh Gia Lai được thành lập từ năm 2000, đến nay tòan huyện có trên 57.000 dân, trong đó có gần 60% dân số là người dân tộc thiểu số, với 6 dân tộc cùng sinh sống, nền văn hóa đa dạng, đặc sắc. Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, trong những năm qua, Đảng bộ chính quyền và nhân dân trong huyện đã tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Xác định mối quan hệ tương tác văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội và kinh tế phát triển thì đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên. Do đó trong những năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của Đảng, Nhà nước, huyện Mang Yang đã triển khai thực hiện nhiều quyết sách nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng theo từng giai đoạn. Dưới sự chỉ đạo của huyện Đảng bộ, chính quyền cùng sự nỗ lực của các ngành, các cấp chính quyền địa phương, trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện tăng trưởng khá cao. Tính đến cuối năm 2014, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt trên 14%;Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20,78%. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Cùng với phát triển về kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, huyện Mang Yang đã tích cực triển khai thực hiện nghị quyết HN lần thứ 5 BCH TW Đảng khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong đó tập trung đầu tư phát triển các nghề truyền thống, triển khai thực hiện nhiều đề án bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

 Ông Võ Văn SơnQuyền Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thể thao huyện Mang Yang nói: Trong những năm qua, huyện Mang Yang đã có nhiều nỗ lực trong công tác đầu tư xây dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Hiện nay có 71 nhà rông văn hóa, nhà rông truyền thống, trong đó có làng Đê Ktu, thị trấn Kon Dơng được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch chọn làm điểm đầu tư xây dựng làng văn hóa truyền thống dân tộc Bah Nar. Ngoài ra, thông qua các hoạt động văn hóa thể thao như tổ chức hội thi văn hóa – thể thao các dân tộc thiểu số, liên hoan cồng chiêng và hát dân ca hàng năm, thường xuyên tổ chức việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Bah Nar. Qua khảo sát toàn huyện còn lưu giữ 215 bộ cồng chiêng, 5 lễ hội truyền thống

Để gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Mang Yang đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như phục hồi lưu truyền và phát triển các sản phẩm văn hóa truyền thống như dệt thổ cẩm, tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc, chỉnh chiêng và đan lát…Đồng thời huyện cũng đã hỗ trợ kinh phí mua sắm cồng chiêng cho một số làng đồng bào dân tộc BahNar và thành lập các đội cồng chiêng ở các làng ĐBDTTS, đưa việc học đánh cồng chiêng vào giảng dạy ở các trường học. Đến nay các thôn, làng đều có đội cồng chiêng. Nghệ nhân Đinh Kơm,Làng PLei Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang chia sẻ:Chúng tôi cố gắng truyền đạt cho con cháu người Bah Nar chúng tôi, chúng tôi cố gắng làm sao để sau này bảo tồn lại bản sắc của dân tộc. Chúng tôi duy trì để các cháu học tốt để thi xã này với xã khác, huyện này với huyện khác”.

Cùng với việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thực hiện công tác phục hồi phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng, nghề truyền thống, huyện Mang Yang đã khuyến khích, lưu truyền các loại hình nghệ thuật dân gian như các bài hát dân ca, trường ca, các điệu hát ru, trang phục dân tộc. Đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Những món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực truyền thống của những con người gắn bó với núi rừng như: cơm lam, Rượu cần…Công tác nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian được đẩy mạnh bởi bản sắc văn hóa truyền thống có mối quan hệ và ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.

 Ông Võ Văn Sơn, quyền Trưởng  phòng Văn hóa Thông tin thể thao huyện Mang Yang nói về việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương: “Việc bảo tồn lưu trữ những giá trị văn hóa truyền thống luôn đi đôi với việc phát huy bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần góp phần quan trọng trong công tác nâng cao đời sống kinh tế, giảm nghèo bền vững là mục tiêu của sự phát triển và làm cho đời sống con người ngày càng hoàn thiện hơn. Xây dựng gia đình văn hóa khu dân cư văn hóa là kết quả phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với cuộc vận động xây dựng NTM hiện nay, từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ toàn diện trong đời sống xã hội và góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết hội nghị lần thứ 9 ban chấp hành TW Đảng khóa 11 về “Xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Đó là động lực để cho văn hóa cùng song hành với kinh tế từng bước phát triển trên địa bàn huyện”

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hiện nay huyện Mang Yang đang đẩy mạnh tuyên truyền để phát huy những giá trị văn hóa bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng thời tích cực thực hiện các giải pháp gìn giữ và phát huy có chọn lọc, loại bỏ những hủ tục lạc hậu để làm cho giá trị văn hóa tốt đẹp thấm sâu trong cuộc sống  và tiềm thức của mỗi con người. Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các thiết chế văn hóa gắn với tăng trưởng kinh tế – xã hội nhằm thực hiện  thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 – 2020./.

                 

Thanh Xuyên – Đức Phương ( Mang Yang)


Lượt xem: 111

Trả lời