Lớp học không tiếng nói

Cập nhật 18/11/2022, 07:11:58

Có một lớp học rất đặc biệt ở thành phố Pleiku. Ở đó có một cô giáo yêu nghề và 14 em học sinh rất đỗi ham học. Đặc biệt ở chỗ, những âm thanh phát ra từ lớp học này chỉ là tiếng đi lại, tiếng bút viết trên trang vở hay tiếng phấn miết trên tấm bảng đen. Chỉ bằng những cử chỉ, động tác thôi mà cô trò đã hiểu nhau, truyền cho nhau biết bao thông điệp và tình cảm yêu thương chan chứa.

Không hề có tiếng giáo viên giảng bài, cũng không có cả những lời phát biểu của học sinh, chỉ có những cánh tay giơ lên tranh nhau phát biểu bài. Ở lớp học này, cả cô và 14 học trò đều là những người khiếm thính. Vốn bị khiếm thính bẩm sinh, nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, vượt qua mọi rào cản và những định kiến về sự khiếm khuyết của bản thân mình, cô gái trẻ Ngô Tường Vy đã quyết tâm trở thành một giáo viên để truyền đạt kiến thức cho người người có hoàn cảnh giống như mình.

Cô giáo Ngô Tường Vy – Giáo viên lớp Khiếm thính, Trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên cho biết: “Các bạn này có hoàn cảnh giống mình cho nên là trao đổi ngôn ngữ, kí hiệu giống như nhau và dễ hiểu nhau hơn, đồng cảm nhau hơn”.

Em Huỳnh Anh Thư – Lớp Khiếm thính, Trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên nhận xét:  “Kí hiệu từ cô Vy thì rất dễ hiểu, các bạn học trong lớp rất là vui vẻ, các bạn tranh nhau để phát biểu, trả lời cô Vy. Em rất thích cô Vy dạy lớp chúng em”.

Chỉ cho các em lớp 1 làm Toán…; hướng dẫn học sinh lớp 2 viết bài…; dạy các em lớp 5 những kiến thức về Lịch sử dân tộc… Với một giáo viên bình thường, để truyền đạt và giúp các em nắm được các kiến thức đó qua ngôn ngữ đôi bàn tay chắc chắn sẽ rất khó, nhất là với một lớp học có đến 03 trình độ như thế này. Thế nhưng với cô giáo trẻ Ngô Tường Vy, nhờ đồng cảm cùng hoàn cảnh của các em, nên ở trình độ của lớp học nào, những sự tương tác giữa cô và trò qua thông điệp của đôi tay cũng luôn luôn sôi nổi.

 Cô giáo Ngô Tường Vy – Giáo viên lớp Khiếm thính, Trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên cho biết:  “Các bạn tiếp thu chậm nên phải dạy lại rất nhiều lần. Một kiến thức nhưng phải dạy lại rất nhiều lần. Mình truyền tải ngôn ngữ kí hiệu cho các bạn, mới đầu là từ thì các bạn tiếp nhận rất là nhanh rồi sau đó phát triển thành câu nên rất là vui”.

Bà Trần Diễm Trinh – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên cũng nói:  “Từ khi cô Vy tới dạy lớp khiếm thính này thì học sinh khiếm thính mới cũng đến nhiều hơn và các em cũng đi học rất là vui vẻ, ngày nào cũng hứng khởi để đi học. Trong tiết học thì lúc nào mình cũng thấy không khí các bạn thi đua nhau xung phong nên mình thấy rất là hay, sôi nổi”.

Tháng 11 trên cao nguyên Gia Lai, những bông hoa Cúc quỳ đã bung nở vàng rực. Tranh thủ thời gian cuối buổi học, cả cô và trò lớp khiếm thính lại cùng đưa nhau ra chụp ảnh nơi con đường hoa phía sau lớp học để lưu lại những khoảnh khắc đẹp của khoảng thời gian này. Cũng giống như bao cô cậu học trò khác, với các em học sinh này, tháng 11 là khoảng thời gian để tri ân công ơn dạy dỗ của người đã truyền kiến thức cho mình từ thông điệp của đôi bàn tay. Không có quà, cũng chẳng có những bông hoa đắt tiền, món quà mà các em tặng cho cô giáo Ngô Tường Vy là những bông hoa Dã quỳ đẹp miên man được hái ngay bên vệ đường cùng những nụ cười vang lên trong trẻo.

 Em Đinh Ngọc Hoàng Mai – Lớp Khiếm thính, Trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên chia sẻ:  “Tháng 11 thì có rất là nhiều hoa Dã quỳ, mà tháng 11 cũng là tháng có ngày Nhà giáo Việt Nam nên bây giờ em không có gì tặng cô Vy nên chúng em hái hoa Dã quỳ tặng cho cô. Chúc cho cô Vy ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11 vui vẻ, hạnh phúc, xinh đẹp, luôn luôn yêu đời”.

Không thể nghe, không thể nói, nhưng cả cô và trò đã biến đôi bàn tay của mình trở thành công cụ để giao tiếp. Chính mỗi câu, mỗi từ được phát ra từ đây đã gắn kết những tâm hồn lại với nhau. Câu chuyện ở lớp học hôm nay không chỉ để nêu gương hay tuyên dương một ai, mà đơn thuần chỉ là để tiếp sức cho đâu đó trong xã hội này, những hoàn cảnh khó khăn sẽ có thêm hy vọng, hy vọng về cuộc đời tươi sáng hơn và cánh cửa tương lai dành cho họ cũng được rộng mở hơn./.

 Quốc Linh, Huy Toàn


Lượt xem: 13

Trả lời