Lễ Kỷ niệm 15 năm ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại

Cập nhật 21/11/2020, 10:11:59

Tối qua, 20/11, tại Quảng trường Đại đoàn kết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 15 năm ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam; đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và tỉnh Phú Yên cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và đông đảo các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh K’pă Thuyên nêu rõ: Năm 2005, UNESCO đã trao cho chúng ta một danh hiệu cao quý: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Và một năm sau đó, năm 2006, cũng tại thành Pleiku này, chúng ta đã long trọng tổ chức đón nhận danh hiệu cao quý ấy. Khi đó, chúng ta đã có những cam kết mạnh mẽ với UNESCO, rằng: Việt Nam sẽ thực sự giữ vững được danh hiệu đó bằng chính những hành động phù hợp của mình. Trong suốt 15 năm qua, các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đã có nhiều việc làm, hoạt động ý nghĩa, thiết thực và nhất là nâng cao được nhận thức của các chủ thể của không gian văn hóa cồng chiêng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị hiện hữu và tiềm ẩn của loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Đặc biệt, năm 2009 tỉnh Gia Lai đã chủ trì tổ chức thành công Festival quốc tế cồng chiêng Tây Nguyên và năm 2018 tiếp tục tổ chức thành công Festival cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là những sự kiện đã tạo được tiếng vang lớn và ảnh hưởng không chỉ trong nước mà lan tỏa ở tầm quốc tế để chúng ta thực hiện các cam kết với UNESCO trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phó chủ tịch UBND tỉnh K’pă Thuyên cũng nêu rõ: Dưới tác động của cơ chế thị trường và sự giao lưu văn hóa đã có tác động không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng; do đó, đòi hỏi cần phải có sự quan tâm hơn nữa đến những chủ thể của không gian văn hóa cồng chiêng.

Đồng chí phát biểu: “Để không gian văn hóa cồng chiêng tiếp tục được sinh tồn ngay trên chính mảnh đất đã sinh ra nó, trên cơ sở các quy định hiện hành của nhà nước về bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, chúng ta cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm đến các cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa cồng chiêng, bằng những chủ trương, đường lối đúng đắn, đặc biệt là các việc làm, chương trình hành động phù hợp. Gia Lai, Tây Nguyên là quê hương của những bản anh hùng ca bất hủ, là cái nôi của cồng chiêng. Chúng ta thật may mắn khi đang được sống trên dải đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa này. Nhân dịp lần kỷ niệm 15 năm không gian văn hóa cồng chiêng hôm nay, thêm một lần nữa, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, hãy đồng lòng chung sức dành sự quan tâm nhiều hơn nữa cho cồng chiêng, cho các chủ nhân của giá trị văn hóa độc đáo ấy. Khi chúng ta chung vui tại đây, các tỉnh bạn Tây Nguyên cũng đang có những hoạt động kỷ niệm phong phú trong dịp này. Chúng ta hãy kết nối cùng nhau, để Tây Nguyên liền một dải, như tiếng chiêng không bao giờ dứt trong huyền thoại, để cùng nhau phát triển văn hóa, du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống”.

Theo điều tra, thống kê sơ bộ của ngành chức năng tại gần 1.200 làng đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar, trên địa bàn tỉnh hiện còn lưu giữ trên 5.655 bộ cồng chiêng; trong đó có 932 bộ chiêng quý hiếm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 900 nghệ nhân giỏi và trên 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã in đậm vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar ở Gia Lai nói riêng với những lễ hội độc đáo. Qua lễ kỷ niệm, 15 năm ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các chủ nhân của không gian văn hóa cồng chiêng càng trân quý và ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Nghệ nhân Rơ Chăm Phê, làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ, TP.Pleiku nói: “Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng thì bà con người Jrai phải giữ lại truyền thống của cồng chiêng để sau này lớp trẻ học và đánh thêm nữa”.

Nghệ nhân Blun, thôn Plei Tua Ktu, xã Glar, huyện Đak Đoa cho biết: “ Trong làng chúng tôi ai cũng biết đánh cồng chiêng; chúng tôi phải tập luyện hàng ngày để bảo tồn và truyền dạy cho lũ thanh niên sau này biết về văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Nhân dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tặng giấy khen cho 8 nghệ nhân chỉnh chiêng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên./.

 Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 196

Trả lời