Làng Ốp, Ia Nueng: Điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách khi đến với TP. Pleiku

Cập nhật 15/12/2023, 16:12:19

Phố núi Pleiku được biết đến là nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm; là điểm đến ấn tượng khó phai trong lòng du khách bởi những cảnh quan tuyệt đẹp, những ngôi làng mang đậm giá trị truyền thống, một trong số đó có thể kể tới: Làng Ốp, phường Hoa Lư và làng Ia Nueng, xã Biển Hồ – Điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách khi đến với TP. Pleiku.

Được thành lập vào năm 1927, làng Ốp có diện tích hơn 100 ha, với hơn 200 hộ sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Jrai bản địa. Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và một số dịch vụ gắn với phát triển du lịch. Đến với làng Ốp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nét văn hoá cổ xưa của làng đồng bào Jrai trên miền đất Tây Nguyên huyền thoại, đậm chất sử thi và cả những thanh âm rộn ràng, tươi vui của một ngôi làng trong phố, vừa hiện đại những vẫn giữ cho mình bản sắc vốn có của người Tây Nguyên.

Hiện toàn làng có 2 bộ cồng chiêng, 2 đội cồng chiêng người lớn và thanh thiếu niên, có vài người lớn tuổi có khả năng truyền đạt, dạy đánh cồng chiêng cơ bản. Công chiêng được bà con làng Ốp sử dụng tại một số nghi lễ vòng đời người và các hoạt động văn hóa của địa phương. Làng có đội múa xoang, với khoảng hơn 20 thiếu nữ, biết múa các điệu truyền thống, có khả năng biểu diễn trước cộng đồng. Trong làng còn có 6 đến 7 người biết chơi các nhạc cụ dân tộc khác.

Về kiến trúc: Nhà rông văn hóa được lợp mái tranh, khang trang và giữ được dáng dấp truyền thống, rất thích hợp cho tổ chức các hoạt động văn hóa – du lịch.

Đến với làng Ốp, đặc biệt là vào mỗi dịp lễ hội, hay những ngày cuối tuần, du khách sẽ được cảm nhận, thưởng thức và trải nghiệm không khí rộn ràng, tươi vui, nơi kết hợp những giá trị truyền thống với hiện đại; nơi có Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; nơi tái hiện sinh động đời sống sinh hoạt, sản xuất, tâm linh, tín ngưỡng phong phú của cộng đồng dân tộc Jrai bản địa.

Đến với làng Ớp, du khách còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực rất đặc sắc, đó là các món ăn truyền thống của đồng bào Jrai và nhiều dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, như: Cơm lam, gà nướng, lá mì, cà đắng, muối kiến, thịt heo nướng và rượu cần… trong ánh lửa bập bùng dưới mái nhà rông truyền thống; bên bến nước, cây đa cổ thụ; trong điệu xoang uyển chuyển của các cô gái Jrai cùng với âm thanh rộn ràng của tiếng cồng chiêng trầm hùng, bay bổng…

Bà Nguyễn Thị Nhung – Du khách Hà Nội bày tỏ: “Tôi đến thành phố Pleiku thăm gia đình và thực hiện một chuyến du lịch, thăm tất cả các làng đồng bào dân tộc thiểu số và các khu du lịch của Pleiku và được xem chương trình múa cồng chiêng, tạo cho tôi tình cảm. Tôi sẽ quay lại.”

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung – Quán Plei cồng chiêng, làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku nói: “Du khách mọi miền đất nước có tới thì không chỉ thưởng thức về ẩm thực mà còn thưởng thức về văn hoá múa cồng chiêng của người Jrai và người Bahnar. Về cách phục vụ, quán cũng đón tiếp khách một cách nhiệt tình để khách thưởng thức trọn vẹn về ẩm thực cũng như văn hoá của người Tây Nguyên. Tới đây thì cũng muốn mở rộng thêm mô hình về bản sắc của người Tây Nguyên, ví dụ như đồ lưu niệm của người Tây Nguyên chẳng hạn để thực khách thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm cồng chiêng của người Tây Nguyên và mua quà gì đấy của người Tây Nguyên như gùi hay bộ đồ của người Tây Nguyên về làm lưu niệm.”

Làng la Nueng, xã Biển Hồ cũng là điểm đến du lịch cộng đồng không thể bỏ qua của du khách khi đến với phố núi Pleiku. Tại làng có 2 nhà rông mới và khu cây đa, giọt nước đã được đưa vào danh mục dự án du lịch giai đoạn 2021-2025. Nhà rông của làng được xây dựng khang trang và giữ được dáng dấp truyền thống. Về cồng chiêng, làng lưu giữ 5 bộ, có 1 đội, gồm 35 thành viên, trong đó, 15 nam đánh chiêng, 20 nữ múa xoang. Trong làng có 10 người lớn tuổi có khả năng truyền đạt, dạy đánh cồng chiêng cơ bản.

Về ẩm thực truyền thống: Nhằm từng bước phát triển ẩm thực phục vụ du khách đến tham quan, trên địa bàn xã Biển Hồ hiện nay đã đưa vào hoạt động 2 quán ẩm thực: Nhà hàng Tơ Nưng và Âm thực và cà phê Biển Hồ theo phong cách ẩm thực Tây Nguyên, rất được du khách yêu thích khi đến tham quan du lịch tại Biển Hồ, tạo thêm điểm nhấn trong việc tổ chức các hoạt động du lịch – dịch vụ tại làng Ia Nueng.

Nghề truyền thống: Tại làng Ia Nueng và làng Ốp, hiện nay vẫn đang lưu giữ và duy trì các nghề, như: Đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, cùng với đó, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng từ sản xuất nông nghiệp. Chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực hình thành các dịch vụ du lịch tại làng Ốp và làng Ia Nueng để thu hút du khách đến trải nghiệm… Cùng với đó sẽ tiếp tục đầu tư bảo vệ cảnh quan, môi trường, tạo nên không gian xanh-sạch-đẹp, đậm chất Tây Nguyên.

Ông Rơ Mah Hur – Thôn trưởng làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng và tự hào vì làng Ốp được chọn làm địa điểm du lịch. Cũng mong muốn thành phố có nhiều chính sách, quan tâm hơn, hỗ trợ thêm các nhà rông, phục dựng văn hoá truyền thống dân tộc và hướng dẫn cho người dân hiểu rõ thêm về du lịch cộng đồng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới.”

Với những giá trị hiện hữu, làng Văn hóa du lịch Plei Ốp, Ia Nueng xinh đẹp, thơ mộng, đậm đà bản sắc văn hóa Tây Nguyên đại ngàn luôn chào đón du khách bốn phương đến khám phá và trải nghiệm.

Hà Đức – Song Nguyễn – R’Piên – Bá Bính


Lượt xem: 8

Trả lời