Làng kháng chiến S’tơr – Quá khứ hào hùng, khát vọng ấm no

Cập nhật 17/8/2018, 14:08:44

Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, ác liệt đồng bào Bahnar làng S’tơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) dưới sự dẫn dắt của Anh hùng Núp – người con ưu tú, cánh chim đầu đàn của đại ngàn Tây Nguyên đã vượt qua bao khó khăn, một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ đánh đuổi quân xâm lược; góp phần đem lại cuộc sống ấm no như ngày hôm nay.

Trong những năm tháng chiến tranh, do nằm ở địa bàn chiến lược nên làng S’tơr thường xuyên bị thực dân Pháp càn quét, bắt dân làng phải theo chúng nhưng không khuất phục được bà con. Dù phải thường xuyên di chuyển chỗ ở, đói cơm, lạt muối nhưng người dân nơi đây vẫn ngoan cường theo Đảng, theo Bác Hồ, đùm bọc, che chở và cùng bộ đội ta chống lại thực dân Pháp. Trong đó cánh chim đầu đàn Đinh Núp bằng cung tên đã bắn chết giặc Pháp và tạo ra bước ngoặt dấy lên phong trào đánh thực dân Pháp trong đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bằng những vũ khí thô sơ như: cung tên, hầm chông, măng cung, bẫy đá… bà con dân làng đã đánh bại rất nhiều trận càn quét của thực dân Pháp; làm nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của đất nước ta. Và Anh hùng Núp trở thành biểu tượng bất khuất trong kháng chiến của các dân tộc Tây Nguyên.

Chị Võ Thị Quỳnh Như, Nhân viên Quản lý Nhà lưu niệm Anh hùng Núp cho biết: “S’tơr là làng Bahnar quê hương của Anh hùng Núp – cánh chim đầu đàn của các dân tộc Tây Nguyên trong kháng chiến chống Pháp. Tại nơi đây vào năm 1941 trong một trận lung bắt phu của thực dân Pháp dù dân làng đã lánh hết vào rừng và riêng Anh hùng Núp đã anh dũng ở lại giết chết 1 tên giặc và chính hành động bắt Pháp chảy máu này đã giúp ông tập hợp được bà con, cùng nhau đoàn kết đứng lên chống Pháp. Đây là bước ngoặt quan trọng giúp ông và đồng bào nơi đây có suy nghĩ đánh giặc”.

Sau những tháng năm chiến tranh gian khổ, bà con dân làng S’tơr lại đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau để cùng vượt qua cái đói, cái nghèo và xây dựng cuộc sống mới. Những loại cây, con có giá trị kinh tế đã được người dân đưa vào sản xuất. Những phương thức, tập quán canh tác lạc hậu được thay thế dần bằng máy móc, khoa học kỹ thuật. Nhờ đó mà đời sống của người dân, bộ mặt của làng đã có những đổi thay rõ nét. Tỷ lệ các hộ khá, giàu ngày càng tăng, tình trạng đói, nghèo gần như đã không còn. Cùng với đó là những phong tục, truyền thống tốt đẹp của đồng bào Bahnar luôn được bà con giữ gìn và phát huy.

Anh Đinh Sưn, Trưởng làng S’tơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang cho biết: “Phát triển kinh tế của dân làng chúng tôi là trồng mía là cây chủ lực và bà con đầu tư phân bón để nâng cao năng suất; rồi lúc trước thì trồng lúa rẫy nhưng nay bà con đã chuyển sang trồng bắp có hiệu quả kinh tế hơn. Chúng tôi sẽ phấn đấu xây dựng bộ mặt của làng ngày càng khang trang, xứng đáng là quê hương Anh hùng Núp”.

Anh hùng trong kháng chiến và khát vọng vươn lên trong công cuộc đổi mới, làng S’tơr trở thành là một trong những làng dân tộc thiểu số tiêu biểu, là niềm tự hào của xã Tơ Tung nói riêng và của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung.

Ông Hoàng Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Tơ Tung, huyện Kbang nói: “Về đời sống kinh tế, xã hội của bà con thì trong những năm qua bà con luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc. Đối với làng S’tơr đang cùng chung tay với xã để xây dựng làng nông thôn mới giai đoạn 2019 – 2020”.

Dù hiện nay, cuộc sống vẫn còn những khó khăn song tin rằng với truyền thống hào hùng và tinh thần tự lực, tự cường, dân làng S’tơr sẽ đoàn kết, vượt qua để xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với quê hương của Anh hùng Núp – cánh chim đầu đàn của đại ngàn Tây Nguyên./.

Đức Hải, Huy Toàn

 

         


Lượt xem: 132

Trả lời