Làm thế nào để phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ

Cập nhật 31/5/2016, 15:05:53

Bác Hồ đã từng nói: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Chính vì lẽ đó, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được các cấp các ngành đặc biệt quan tâm với nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Thế nhưng hiện nay, tai nạn thương tích (TNTT) đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 15 tuổi. Đặc biệt, mỗi dịp hè về, số vụ TNTT ngày càng tăng lên do các em học sinh được nghỉ học, tạo sự lo lắng, bất an cho gia đình và xã hội. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phòng chống TNTT cho trẻ mỗi dịp hè về khi mà hàng ngày, xung quanh các em mối nguy hiểm vẫn luôn thường trực. Phóng sự sau là một minh chứng.

 

 

       

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 194 trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có 21 em tử vong, chủ yếu là bị đuối nước

 Chúng tôi có dịp trở lại thăm em Doi, là bé duy nhất sống sót trong vụ 3 em nhỏ bị đuối nước khiến 2 em tử vong tại xã Glar, huyện Đak Đoa vào hồi cuối tháng 4 vừa rồi. Đã một tháng trôi qua nhưng khuôn mặt em vẫn nhợt nhạt và đầy vẻ hoảng sợ, có lẽ những ký ức buồn và cái chết của 2 cô bạn cùng làng vẫn còn ám ảnh em, người sống sót duy nhất.

Chị Klem, mẹ em Doi cho biết: “Từ ngày ở bệnh viện về Doi cũng không được khỏe như trước nữa, hay bị đau đầu, chóng mặt, họng cũng đau nên nói năng cũng khó khăn hơn trước. Doi cũng rất hay khóc vì nhớ bạn”.

     Ký ức về vụ đuối nước sẽ là một ký ức buồn không chỉ đối với gia đình 2 em bị tử vong, với gia đình em Doi, mà với cả người dân làng Groi 2 này. Và theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 194 trường hợp tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có 21 em tử vong, chủ yếu là bị đuối nước. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm thiểu tình trạng đuối nước cũng như tai nạn thương tích ở trẻ, nhất là mỗi dịp hè, khi các em được nghỉ học, thời gian rảnh rỗi nhiều. Bởi trên thực tế hiện nay, tại Gia Lai, sân chơi dành cho các em rất thiếu, chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố và trung tâm còn tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa sân chơi dành cho các em rất hiếm, thậm chí là không có….

     Không có sân chơi, cha mẹ bận bịu với công việc nương rẫy, trẻ phải tự tìm sân chơi cho mình, và không phải chỗ nào cũng an toàn….Và hệ lụy của nó là không tránh khỏi khi trẻ còn nhỏ, chưa có ý thức trong việc phòng tránh cũng tự chăm sóc, bảo vệ bản thân khi gặp sự cố.

Chị Blot, làng Groi 2-Xã Glar-Đak Đoa cho biết kinh nghiệm của chị để quản lý con của mình: “Từ bữa trước đến giờ mấy đứa nhỏ thường là đi bắt chim, hoặc đi lấy nước ở dưới suối, một số người là trốn đi không hỏi, không xin, một số người là tự đi, không xin như mấy đứa nhỏ vừa rồi xin 2, 3 lần không cho đi cuối cùng chúng tự rủ nhau đi rồi tắm dưới kia. Như em thường khi không có con ở nhà là cũng phải đi tìm về tới nhà rồi đi đâu em mới đi. Ngày mà không đi học thì đi làm ở đâu em dắt nó đi luôn”.

        Trẻ em là tương lai của đất nước; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được các cấp, các ngành hết sức quan tâm. Phòng chống TNTT cho trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Làm tốt công tác này là một trong những hành động thiết thực nhất để hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm nay.

Lê Thư-Hồng Uyên -Thanh Sáng


Lượt xem: 154

Trả lời