Làm gì để “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Cập nhật 03/12/2018, 08:12:50

Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; các nhà quản lý văn hóa du lịch 05 tỉnh Tây Nguyên. Bà Huỳnh Nữ Thu Hà – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai dự và phát biểu chào mừng. PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia; ông Trần Ngọc Nhung – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai chủ trì Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Huỳnh Nữ Thu Hà khẳng định: Những năm qua, nhằm bảo tồn giá trị Di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn duy trì các hoạt động cồng chiêng tổ chức theo định kỳ hằng năm; quan tâm đến việc khuyến khích các lễ hội có sử dụng cồng chiêng tại các buôn, làng đồng bào DTTS; nghiên cứu, phục dựng những lễ hội đang có nguy cơ mai một; tuyên truyền, khuyến khích bà con gắn bó hơn với không gian sống truyền thống của mình…. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà nhấn mạnh: Đây là lần thứ hai Gia Lai tổ chức hội thảo về chủ đề Không gian văn hóa cồng chiêng, nhằm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của văn hóa cồng chiêng trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; với mong muốn có thêm thông tin, cơ sở khoa học để tìm ra giải pháp thiết thực, hữu hiệu nhất giúp cho tỉnh Gia Lai cùng với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tiếp tục thực hiện tốt công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể đại diện cho của nhân loại.

Tại Hội thảo, có 46 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu…  tập trung thảo luận ở những vấn đề như: Nhận diện cơ hội và thách thức bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay; đánh giá quá trình bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng  Tây Nguyên theo Chương trình hành động của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại 5 tỉnh Tây Nguyên; vai trò của nhà nước và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong mối quan hệ với phát triển kinh tế – xã hội, du lịch ở Tây Nguyên…… Thực tế hiện nay đã có nhiều chính sách, cơ chế đặc thù ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế – xã hội cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS góp phần ổn định đời sống, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy văn hóa cồng chiêng của bà con dân làng.

Ông Nguyễn Quang Tuệ – Trưởng phòng Quản lý Di sản – Văn hóa, Sở VHTT & DL Gia Lai cho biết:  “Ở Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, để bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thì tại các thôn, làng, luôn duy trì tổ chức các hội thi văn hóa cồng chiêng, các xã trong một huyện cũng duy trì tổ chức 02 năm 1 lần, thường ở tỉnh thì 3 năm mới tổ chức kỳ liên hoan này. Festival của chúng ta sau gần 1 thập kỷ, nay chúng ta đã làm trở lại…”

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tuy đã có những kết quả tích cực, nhưng trước sự phát triển đô thị hóa cùng lối sống hiện đại, thị hiếu thưởng thức âm nhạc của một bộ phận giới trẻ đã ít nhiều tác động đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Điển hình của sự mai một ấy chính là nạn “ chảy máu” cồng chiêng, sự mất dần những lễ hội truyền thống….Đây cũng chính là nỗi trăn trở chung của tỉnh Gia Lai và các tỉnh trong khu vực.

Bà Linh Nga Niek Dăm – Trung tâm Phát triển nông thôn Tây Nguyên nêu:  “Nhiều năm sau khi được tôn vinh, người ta chỉ chú ý đến việc truyền dạy, bảo tồn cái gọi là cồng chiêng chứ không chú ý đến không gian, tức là môi trường diễn xướng cồng chiêng như thế nào? nó đang dần bị lãng quên..Việc truyền dạy được tổ chức ở rất nhiều nơi, có sự tham gia của rất nhiều thế hệ trẻ từ thiếu niên, thanh niên đều được học…nhưng chỉ được tổ chức theo quy mô liên hoan chứ không phải tự thân cộng đồng…”

GS.TS Nguyễn Chí Bền – Nguyên Viện trưởng – Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cũng cho biết:  “Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, phải ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ thông tin vào việc bảo vệ phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Định hướng như tôi trình bày đó là làm sách điện tử 3D. Chúng ta có thể sử dụng ở đó các song ngữ như: tiếng Êđê – Tiếng Pháp (Anh); tiếng Jrai – Tiếng Pháp…. dùng rộng rãi trong nhà trường lẫn cả làm du lịch….”

Xưa kia cồng chiêng chỉ dùng trong nghi lễ, nhưng ngày nay cồng chiêng dần thoát môi trường “linh thiêng” và được sử dụng trong các hoạt động văn hóa. Vì thế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đặt ra những thách thức lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Bởi vậy, để bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, rất cần sự nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ giá trị của cồng chiêng, góp phần tạo nên kho tàng di sản văn hóa vô giá của cả dân tộc./.

 Bích Thủy, Minh trí


Lượt xem: 107

Trả lời