Ký ức về Chiến tranh biên giới Tây Nam

Cập nhật 07/1/2024, 10:01:46

Với tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả và đáp lại lời kêu gọi của của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, hàng nghìn người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ đánh đuổi quân xâm lược ở biên giới Tây Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary để được hồi sinh, phát triển như ngày hôm nay. Đã 45 năm trôi qua song những ký ức vẫn còn in đậm trong tâm trí của những cựu chiến binh Việt Nam từng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới Tây Nam. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng (07/1/1979 – 07/1/2024), THGL xin giới thiệu phóng sự: Ký ức về Chiến tranh biên giới Tây Nam.

Cuối năm 1978, khi mới từ quê hương Nam Định vào Gia Lai lập nghiệp ở Nông trường cao su Chư Prông, Trung tá Lê Quang Chính khi ấy là chàng thanh niên đôi mươi đã tình nguyện nhập ngũ để giúp nước bạn Campuchia đánh đuổi quân Pon Pot. Đơn vị C10 đặc công, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai của ông khi đó hoạt động chính ở địa bàn 2 tỉnh Ratanakiri và Strung Treng. Mặc dù gặp bao khó khăn và nguy hiểm, song với tinh thần quốc tế cao cả và mong muốn giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, cán bộ, chiến sĩ quân Việt Nam luôn thể hiện quyết tâm đánh đuổi, tiêu diệt quân Pon Pot.

Trung tá Lê Quang Chính – Chủ tịch Hội CCB phường Yên Đỗ, TP.Pleiku bồi hồi nói: “Mặc dù khó khăn, thiếu thốn vật chất nhưng chúng tôi quyết tâm ngay từ đầu và khi mới đặt chân đến đất nước bạn là mình nghĩ là phải giải phóng, diệt nạn diệt chủng Pon Pot; phải quyết tâm ngay từ đầu với ý chí cao nhất với mục tiêu là vì nghĩa vụ quốc tế là phải giải phóng giúp cho bạn khỏi nạn diệt chủng Pon Pot.”

Dưới sự hỗ trợ đắc lực, chí nghĩa, chí tình với tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia được giải phóng song tàn quân của Pon Pot vẫn còn rất mạnh. Cho nên nhiệm vụ tiêu diệt tàn quân Pon Pot và giúp nước bạn xây dựng, bảo vệ chính quyền càng trở nên khó khăn, gian khổ và ác liệt hơn đối với các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam lúc bấy giờ.

Những ký ức đó vẫn còn in đậm trong tâm trí của Đại tá Vũ Văn Sơn người từng 10 năm tham gia chiến đấu với quân Pon Pot ở đất bạn Campuchia và 7 năm làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt Liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia về nước.

Đại tá Vũ Văn Sơn – Nguyên Đội trưởng Đội K52, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai tự hào: “Đây là nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho quân đội và chúng tôi sang với nhiệm vụ và quyết tâm là làm sao phải đánh đuổi được tàn quân Pon Pot; dù có khó khăn, gian khổ như thế nào nhưng mà chúng tôi đều quyết tâm để cho nhân dân Campuchia có cuộc sống hồi sinh và ổn định.”

Chiến tranh đã lùi xa song chính quyền và nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ, trân trọng và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tình cảm, sự giúp đỡ chân tình, trong sáng của đất nước và Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giúp đất nước Campuchia thoát được họa diệt chủng và hồi sinh, phát triển như ngày hôm nay.

Ông Chhim Savoeun – Huyện Sê San, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia xúc động: “Tôi sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh nên rất biết ơn công lao to lớn của các chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã giúp đỡ, đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pốt để nhân dân, đất nước Campuchia có được cuộc sống ấm no, hòa bình như ngày hôm nay.”

Bà Keo Sa Voeun – Phó Tỉnh trưởng tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia khẳng định: “Đất nước và Nhân dân Campuchia được hồi sinh, phát triển như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ vô cùng to lớn của quân và dân đất nước Việt Nam với tinh thần quốc tế cao cả đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để đánh đuổi, tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Chúng tôi luôn khắc ghi trong lòng và sẽ không ngừng vun đắp để xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam –Campuchia “đời đời bền vững”.

Chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1979 vừa là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững biên cương và chủ quyền lãnh thổ quốc gia; đồng thời, cũng là thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong sáng giúp nước bạn Campuchia tránh được họa diệt chủng Pon Pot và hồi sinh, phát triển như ngày hôm nay. Từ đó càng củng cố, xây dựng và tô thắm tình đoàn kết hữu nghị gắn bó đời đời bền chặt, mãi mãi xanh tươi giữa 2 đất nước Việt Nam – Campuchia.

Đức Hải – Bá Bính


Lượt xem: 8

Trả lời