Ký ức của người lính về những ngày tháng Tư lịch sử

Cập nhật 30/4/2020, 07:04:28

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, ký ức về ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí mỗi người lính từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Những câu chuyện, những hồi ức của các cựu chiến binh trong chiến tranh giải phóng là minh chứng sống động, chân thực nhất về một thời lịch sử hào hùng, để thế hệ hôm nay và mai sau mãi ghi nhớ.

Chiến tranh đã đi qua 45 năm, những ngày tháng Tư lịch sử này, những người lính năm xưa của Quân đoàn 3 lại gặp nhau để ôn lại kỷ niệm về một thời sống và chiến đấu kiên cường.

Lúc bấy giờ, Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, trong đó trận tiến công vào Buôn Ma Thuột được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định là trận then chốt, có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến dịch này. Để bảo đảm đánh chắc thắng, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã thực hiện chiến lược và quyết tâm “trói địch ở Buôn Ma Thuột mà đánh”. Cựu chiến binh Trần Viết Xuân, người trực tiếp chiến đấu trong trận này xúc động xen lẫn niềm tự hào khi kể lại cho chúng tôi nghe những ngày đêm gian khổ của ông cùng đồng đội tham gia chiến dịch.

Cựu chiến binh Trần Viết Xuân- Hội viên Chi hội CCB Tổ dân phố 5, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai nhớ lại:  “Ngày tháng này của 45 năm trước anh em mình gian khổ, ngày đêm, có lẽ không có đêm nào trọn vẹn được ngủ, hành quân suốt, phải đi suốt. Tôi nhớ mãi, chiến dịch đầu tiên mở màn, trước khi chuẩn bị đánh BMT, lúc bấy giờ tôi ở Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, tham gia chiến đấu ở quận lỵ Đức Lập.  Trận đó ác liệt lắm.”

Trong hồi ức của CCB Đào Ngọc Lập – từng là lính thông tin thuộc Trung đoàn E29, Quân đoàn 3 tham gia trận đánh Buôn Mê Thuột thì chiến trường lúc đó thật ác liệt, song được quân ta chuẩn bị chu đáo, tổ chức đánh trận theo hướng nghi binh, tạo thế chia cắt để đánh địch.

Cựu chiến binh Đào Ngọc Lập, Hội viên Chi hội CCB Tổ dân phố 5, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai bồi hồi kể lại: “Tên chiến dịch là 275, khi đó thông tin chúng tôi mạng “thông tin nghi binh đánh lừa địch bằng 7 đài vô tuyến điện sóng ngắn ở phía sau, đến giờ vẫn phát sóng bình thường”  nhưng đều là mệnh lệnh giả.  Đường dây đỏ được hình thành đó là đồng chí Chính ủy là đồng chí Đỗ Giả, đồng chí Phó Chính ủy là Bùi Soát phụ trách đường dây đỏ. Rải dây hai hướng dồn lại một, bên kia bờ sông Sêkpôk, bên này bờ sông Sêkpôk”.

Cựu chiến binh Trần Viết Xuân, Hội viên Chi hội CCB Tổ dân phố 5, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai tự hào nói: “Sau khi giải phóng được BMT thì địch thất thủ, thất bại lớn, nó điên cuồng, tìm mọi cách để tấn công đánh chiếm lại BMT.  Lúc đó đại thắng của mình, quân mình ồ ạt tấn công như thế chẻ tre, khí thế như thế. Dân lúc bấy giờ họ ra họ ủng hộ, bộ đội thì đi bộ, dân họ mang xe lam, xe ca các thứ…để chở bộ đội hành quân tiếp.  Trên hông xe chở bộ binh có những khẩu hiệu hết sức hành động “ Nhằm thẳng hướng Nam mà tiến” “ Thần tốc, thần tốc hơn nữa” nó tạo khí thế rất lớn khi hành quân vào phía Nam.”

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 10 được Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là một trong 5 mục tiêu trọng yếu của Chiến dịch Hồ Chí Minh gồm dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát. Sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là một sân bay dân sự đơn thuần, mà còn là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Sư đoàn Dù, Bộ Tư lệnh Không quân và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 Không quân ngụy.

CCB Nguyễn Văn Phương – Hội viên Chi hội CCB Tổ dân phố 5, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai xúc động kể: “Tôi nhớ lúc đó khoảng 28/4, chuẩn bị đi trinh sát để vào dẫn Trung đoàn 24 vào đánh ở Sài Gòn. Đến sáng ngày 30/4, tình hình chiến sự rất ác liệt, Sư đoàn có cử tôi và 6 chiến sĩ nữa đi trinh sát vào Ngã tư Bảy Hiền và Lăng Cha Cả để vào Sân bay Tân Sơn Nhất.”

CCB Trần Viết Xuân – Hội viên Chi hội CCB Tổ dân phố 5, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai cũng chia sẻ:  “Khí thế của mình như thế, nhưng địch cũng ác liệt, gan góc, chống trả quyết liệt cho đến giây phút cuối cùng. Tôi nhớ  mấy hình ảnh chúng chống cự đến cùng, đến ngã 3, ngã 7 của đường phố vào Sài Gòn, đến bấy giờ đồng chí đồng đội của mình vẫn ngã xuống trước giờ giải phóng”.

Lật giở lại những hình ảnh kỷ niệm về một thời tham gia chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, ký ức những ngày xông pha trận mạc, từng vào sinh ra tử và may mắn khi được chứng kiến khoảnh khắc đất nước hòa bình thống nhất, non sông thu về một mối… vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm những người lính già.

Cựu chiến binh Trần Viết Xuân cho biết thêm: “Lúc bấy giờ biết là chiến thắng hết rồi, được tin giải phóng được Sài Gòn, chiến thắng hết rồi, anh em phấn khởi, cả một đêm 30.4 không ngủ, anh em quây quần, đi suốt, đi khắp tất cả sân bay. Có thể nói là cùng cả nước cả đêm đó không ngủ để mừng chiến thắng, giải phóng được miền Nam.”

Cựu chiến binh Đào Ngọc Lập – Hội viên Chi hội CCB Tổ dân phố 5, phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai cho biết: “Trên đường đi về vào Sài Gòn, Đồng Dù, Củ Chi, sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi hành quân trên xe ô tô, toàn bộ hai bên đường trong ngày 30.4 cờ hoa rợp đường, nhân dân đứng ở hai bên đường vẫy cờ hoa. Bộ đội đi đến đâu được nhân dân vẫy cờ hoa đến đó”.

“Mình rất hạnh phúc so với đồng đội, tôi lúc nào cũng đăm đăm nhớ đồng đội của mình, nằm xuống hi sinh rất nhiều trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Nam.” CCB Nguyễn Văn Phương- Hội viên Chi hội CCB Tổ dân phố 5, phường Thắng Lợi, TP Pleiku nói.

Chiến tranh lùi xa đã 45 năm kể từ ngày 30/4/1975, song mỗi vết thương trên người họ, mỗi hình ảnh về những đoàn quân ra trận, những lần đi qua lằn ranh mỏng manh của sự sống và cái chết trong các trận đánh đều là minh chứng sống động về một thời gian khổ mà vinh quang.

Bích Thủy, Minh Trí

 


Lượt xem: 147

Trả lời