Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI xem xét, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

Cập nhật 09/7/2020, 18:07:00

Ngày 9/7, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021 bước sang ngày làm việc cuối cùng. Dưới sự chủ trì của các đồng chí: Đặng Phan Chung – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, chiều nay, Kỳ họp tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn và thảo luận chung tại hội trường, đồng thời biểu quyết thông qua 16 nghị quyết. Dự Kỳ họp có các đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Thực hiện quyền chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu, liên quan đến lĩnh vực đất đai, đại biểu Dương Văn Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã chất vấn đối với Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường:

Ông Dương Văn Tuấn– Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai nêu: “Toàn tỉnh hiện còn trên 30.752 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã làm nhưng chưa trao đúng chủ sử dụng quyền sử dụng đất. Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trách nhiệm của Sở trong vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới như thế nào?

Ông Phạm Duy Du – Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết: “Phần lớn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn tồn chưa trao hầu như chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất, phí, lệ phí. Việc thông báo công khai cho người dân công tác tuyên truyền hạn chế, chỉ đạo giải quyết hồ sơ tồn chưa đến nơi đến chốn. Đề nghị các địa phương tổng hợp rà soát phân loại theo từng loại hồ sơ, nguyên nhân tồn để giải quyết cho phù hợp. Thực hiện ngay công tác tuyên truyền về phát luật đất đai, tiếp tục rà soát thống kê theo từng nguyên nhân để có hướng xử lý cho phù hợp, công khai thông báo tại UBND xã. Về phía ngành Tài nguyên Môi trường, xin hứa với các vị đại biểu tăng cường thanh tra, kiểm tra, phối hợp với địa phương xử lý các vi phạm”.

Liên quan đến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu về lĩnh vực đất đai, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Phan Chung – chủ tọa kỳ họp đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với ngành thuế để sớm có hướng giải quyết vấn đề nợ tiền sử dụng đất, hạn chế tình trạng tồn đọng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân.

Trong phiên thảo luận chung tại hội trường chiều nay, các đại biểu đã tập trung làm rõ những vấn đề trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội được đại biểu và cử tri quan tâm. Liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong 6 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh ước đạt 4,16%. Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhiều đại biểu cho rằng: Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như đã đề ra trong năm 2020, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phân tích những cơ sở để tỉnh có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra trong năm nay.

Ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu: “Khả năng tăng trưởng tối thiểu là 7,7% phấn đấu đạt mức cao nhất chứ tỉnh không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, tổng mức đầu tư 30.000 tỉ đồng là không thay đổi. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,7% thì các cấp, các ngành cần thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của CP, TTCP, trong đó cần tập trung giải pháp đầu tư và giải ngân xây dựng cơ bản. Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh. PCI nằm trong top 30 phấn đấu tiếp tục tiến lên. Đề nghị tiếp tục phát huy nếu làm được cái này thì mọi nguồn lực trong xã hội sẽ được khơi thông, nếu không sẽ khó đạt mức đầu tư 30.000 tỉ đồng”.

Tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh trình dự thảo nghị quyết quy định khu vực nội thành của thành phố, xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Dự thảo Nghị quyết nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu và còn nhiều ý kiến khác nhau.Hiện trên địa bàn tỉnh việc nuôi chim yến ngày càng mở rộng và phát triển mạnh gây ảnh hưởng rất lớn đến khu dân cư do đó các đại biểu cần xác định cụ thể vùng nuôi chim yến, đề xuất quy định khu dân cư không được nuôi chim yến và phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 300m. Xung quanh những đề xuất của đại biểu, Giám đốc Sở NN&PTNT Lưu Trung Nghĩa tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để tiếp tục hoàn chỉnh bổ sung vào  dự thảo nghị quyết.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai nói: “Khu vực nuôi chim yến cách khu dân cư dưới 300m không được phát loa phóng thanh dẫn dụ nuôi chim yến, gây tiếng ồn ảnh hưởng đến khu dân cư. Trong luật chăn nuôi cũng quy định trong thời hạn 5 năm phải ngừng hoạt động hoặc di dời địa điểm phù hợp”.

Đối với công tác giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay, giãn nợ, cơ cấu lại nợ sau dịch Covid-19 cho doanh nghiệp, tại kỳ họp, lãnh đạo các sở, ngành cũng đã làm rõ nhiều vấn đề mà cử tri và đại biểu quan tâm.

Bà Rcom Sa Duyên – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: “Chư Pah làm đúng quy trình sau khi rà soát, sàng lọc phát hiện đưa ra khỏi danh sách chứ chưa cấp, không chi trả cho 1.265 trường hợp. Đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm hơn nữa xác lập đúng đối tượng, đúng các chính sách an sinh xã hội, tránh trùng lặp, tránh trục lợi. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cũng đã tổng hợp đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42 và Quyết định số 15, mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng và bỏ một số quy định. Khi nào có ý kiến của cấp trên, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhằm đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng”.

Ông Nguyễn Hữu Nghị – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết: “Thời gian tới Thống đốc Ngân hàng sẽ sửa đổi Thông tư 01 kéo dài thời gian thêm cho các doanh nghiệp và cá nhân. QĐ 15 sẽ sửa đổi các điều kiện, kéo dài thời gian, tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay”.

Việc phát triển điện mặt trời áp mái nhà cũng là lĩnh vực đang được đặc biệt quan tâm hiện nay. Ngày 06/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng đang quan tâm đến lĩnh vực này. Cho ý kiến tại kỳ họp, các đại biểu cho rằng: nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển dưới 01 MW thì không phải xin phép đầu tư xây dựng mà chỉ đăng ký đấu nối với Công ty Điện lực tỉnh; trong khi rất nhiều cá nhân doanh nghiệp cùng triển khai thực hiện kết hợp đầu tư trang trại nông nghiệp với đầu tư điện áp mái, nên rất khó cho công tác quản lý của địa phương, cần có quy định cụ thể đối với việc này để đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước sau này.

Về vấn đề này ông Phạm Văn Binh – Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết: “Gia Lai có tiềm năng phát triển điện mặt trời nói chung và điện áp mái nói riêng. Việc đấu nối thuộc thẩm quyền của ngành điện lực. Hiện có 711 hồ sơ xin đăng ký đấu nối và đã được chấp nhận đấu nối 503 hồ sơ. Đối với việc phát triển điện mặt trời, đề nghị các huyện tăng cường quản lý nhằm đảm bảo công trình tuân thủ pháp luật về xây dựng, không yêu cầu cơ quan điện lực và các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính không có trong quy định. Sở đang lấy ý kiến hướng dẫn thống nhất triển khai điện mặt trời áp mái”.

Sau 2 ngày làm việc khẩn trương với tinh thần dân chủ và đầy trách nhiệm, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI đã hoàn thành chương trình đề ra và đã bế mạc.

Trên cơ sở các báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp, ý kiến của cử tri và các ngành liên quan, các đại biểu đã tập trung xem xét và phân tích những mặt đạt được, chưa được, nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ 06 tháng đầu năm và dự báo những thuận lợi, khó khăn, đề ra giải pháp thực hiện từ nay đến cuối năm 2020. Kỳ họp đã biểu quyết thông qua16 nghị quyết quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, làm cơ sở cho UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện. Theo đó,HĐND tỉnh thống nhất thông qua kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020.

Đồng chí Đặng Phan Chung – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu: “Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới tôi nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung thực hiện như sau: UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua; cần thay đổi cách làm, quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành. Theo đó, tập trung chỉ đạo, điều hành thu, chi ngân sách hợp lý, cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, triển khai các biện pháp đồng bộ, thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc sau dịch Covid-19, không chỉ bù đắp những tổn thất to lớn vừa qua mà còn đạt được những kết quả khả quan trong 6 tháng cuối năm 2020. Đặc biệt hiện nay, dịch bệnh bạch hầu bắt đầu xuất hiện ở Đak Đoa, tôi đề nghị các địa phương, các sở, ngành nhất là ngành y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp khoanh vùng, dập dịch theo quy định, tổ chức khám sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; rà soát, đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng tại các xã có ổ dịch; truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh bạch hầu cho người dân trên địa bàn… Cần tập trung chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện tốt một số vấn đề trọng tâm, lĩnh vực quan trọng của địa phương như: xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính giai đoạn 2021-2025; hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng gắn với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành kế hoạch trồng mới 5.000 ha rừng; xây dựng kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2021-2025,…. Tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông. HĐND tỉnh kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đoàn kết, nỗ lực phấn đấu; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức; ra sức thi đua lao động sản xuất để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020”.

HĐND tỉnh cũng đề nghị sau kỳ họp, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri, dành thời gian tham dự kỳ họp HĐND nơi được bầu cử để thông báo kết quả kỳ họp, phổ biến nội dung các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua đến cử tri, nhân dân trong tỉnh; tăng cường các hoạt động giám sát nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua.Bên cạnh đó, Uỷ ban MTTQVN tỉnh, các tổ chức xã hội tăng cường giám sát và vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 mà tỉnh đã đề ra, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020)./.

Kim Châu – Thiên Thanh –  Thanh Sáng – Minh Trí


Lượt xem: 90

Trả lời