Kinh doanh lành mạnh vì quyền lợi của người tiêu dùng

Cập nhật 10/3/2018, 15:03:47

Trước thực trạng an toàn thực phẩm ngày càng đáng báo động như hiện nay, vấn đề người tiêu dùng quan tâm là làm thế nào để chọn được những sản phẩm an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi tình trạng “tiền mất, tật mang” nếu như bản thân mỗi người sản xuất kinh doanh không tự ý thức về điều này với mỗi sản phẩm họ đưa ra thị trường. Ghi nhận trên thị trường TP.Pleiku.

Với người tiêu dùng hiện nay, siêu thị được xem là địa chỉ mua sắm tin cậy bởi sự kỳ vọng vào “sự đa dạng hàng hóa” và “chất lượng sản phẩm”. Mặc dù giá thành luôn là một yếu tố quan trọng đối với người tiêu dùng Việt, và trong khi họ đi chợ mua hàng có thể vì “sự linh hoạt trong giá cả” nhưng siêu thị vẫn là lựa chọn an toàn bởi lý do chính là sự tìm kiếm nguồn sản phẩm chất lượng đảm bảo với nhiều sự lựa chọn hàng hóa.

Anh Trần Duy – phường Thắng Lợi, TP.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Mình ưu tiên chất lượng, còn giá cả thì phù hợp với túi tiền thì mình sẽ thích và tiêu dùng nhiều hơn. Vì vấn đề an toàn thực phẩm, người ta sẽ không giảm lượng tiêu dùng xuống nhiều, người ta sẽ tìm nguồn cung cấp trực tiếp người ta cảm thấy có thể an toàn. Còn thực tế người ta cũng không biết chắc như thế nào nhưng người ta thấy tin tưởng ở đâu thì người ta sẽ mua ở đó”.

Thế nhưng dù thế nào thì chợ vẫn là kênh mua sắm truyền thống của phần lớn người tiêu dùng. Vẫn sự đa dạng hàng hóa và thực phẩm cũng không kém phần tươi ngon; có điều chất lượng sản phẩm tại các chợ vẫn là “ẩn số”. Người tiêu dùng vì sức khỏe có thể chọn mua ở những chỗ quen biết hoặc cảm thấy an tâm hơn; còn người bán thì vì uy tín cũng có thể cố gắng cung cấp sản phẩm được lấy từ chỗ quen. Tuy nhiên những bất an về mất an toàn thực phẩm vẫn là nỗi lo thường trực.

Một tiểu thương chợ Bà Định, TP.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Bây giờ càng ngày người ta càng sợ, người ta mua người ta phải lựa chứ bây giờ số lượng nhiều người bán quá nên bán hàng chậm hơn trước đây. Tuy nhiên, cũng có người thì ham rẻ, có người thì họ sợ”.

Ông Phan Cầm – phường Yên Đỗ, TP Pleiku, Gia Lai nói: “Chọn những người bán hàng mình biết thì mình mua chứ người không an toàn thì mình không mua. Thực phẩm bây giờ cũng đáng lo ngại lắm”.

Sự thay đổi điều kiện sống và mức sống cùng với những lo lắng về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đã khiến người tiêu dùng dần tìm đến những điểm phân phối hàng hóa hiện đại được đảm bảo tốt hơn và đáng tin cậy hơn. Thế nhưng dù có là kênh bán lẻ hiện đại hay những chợ truyền thống, chợ dân sinh vốn đã quen thuộc với phong tục, tập quán, thói quen tiêu dùng của người Việt từ lâu nay thì điều quan trọng vẫn là làm thế nào để mỗi sản phẩm khi được cho ra thị trường đảm bảo các yếu tố về chất lượng. Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) sẽ là dịp để các tổ chức cá nhân, sản xuất kinh doanh nhìn lại ý thức, trách nhiệm của mình với người tiêu dùng vì sức khỏe người dân và chất lượng giống nòi./.

Mỹ Tiến, Minh Trung


Lượt xem: 88

Trả lời