Khởi sắc vùng biên giới Ia Puch

Cập nhật 01/9/2017, 16:09:43

Là một trong những xã vùng biên khó khăn của huyện Chư Prông, song những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, người dân  biết chuyển đổi phương thức canh tác và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, nên kinh tế của  xã Ia Puch đang dần có dự thay đổi. Đời sống bà con dân tộc thiểu số ngày được nâng cao. Diện mạo nông thôn vùng biên giới có nhiều khởi sắc.

Ia Puch là một trong hai xã biên giới của huyện Chư Prông. Xã có 675 hộ với hơn 2.700 khẩu, tập trung sinh sống tại 4 thôn, làng. Trước đây, tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí còn thấp, nên đời sống kinh tế của bà con còn thiếu thốn, khó khăn.

Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, kết cấu hạ tầng của các thôn, làng trên địa bàn xã dần thay đổi, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế phát triển.

Chị Rơ Mah Bích, Làng Chư Kó, xã Ia Puch, huyện Chư Prông nói: “Trước đây đi đường đất chứ không phải đường nhựa như thế này đâu, khó đi lắm, nhất là trời mưa. Đi cẩn thận, sợ đi té. Nhưng bây giờ thì cái gì cũng có hết”.

Trên vùng đất khó này, cây trồng chủ lực của người dân địa phương là cây mỳ và cây điều. Để tạo tính đột phá trong phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã nỗ lực vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại, người dân đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng mới vào trồng thử nghiệm như: Cây điều ghép cao sản, cây khoai môn, thanh long….nhằm nâng cao giá trị kinh tế.

Ông Vũ Văn Điềm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ia Puch, huyện Chư Prông cho biết: Đặc biệt từ năm 2016 đến giờ đời sống của người dân có cải thiện, bộ mặt được nâng lên. Nhà nước đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135 và các chương trình khác, diện mạo nông thôn, điện đường trường trạm y tế được quan tâm xây dựng.

Ông Kpuih Bai, Bí thư Đảng ủy xã Ia Puch, huyện Chư Prông cũng cho biết: “So với trước đây, bây giờ được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bà con được tiếp cận với trình độ văn hóa, thứ hai là tiếp cận với anh em người Kinh để học hỏi được kinh nghiệm. Mục đích là để chăm sóc cây trồng vật nuôi như thế nào”.

Phong trào xây dựng nông thôn mới cũng đã thu hút được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân; lồng ghép hiệu quả với các chương trình, dự án khác mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, hạ tầng kinh tế – xã hội của xã biên giới Ia Puch từng bước thay đổi,  đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét. Năm 2016, xã Ia Puch đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới (theo bộ tiêu chí cũ). Nay thực hiện rà soát theo bộ tiêu chí mới thì xã mới chỉ đạt ở các tiêu chí: Y tế, chợ, thủy lợi và an ninh. Tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 28%.

Xã chúng tôi đặc thù là xã khó khăn, vùng căn cứ cách mạng, nhưng chúng tôi quyết tâm giữ vững an ninh chính trị, thứ hai là tuyên truyền bà con không được theo đạo để làm sao giữ vững được trong sạch vững mạnh. Chúng tôi đề nghị cấp trên có hướng triển khai những chính sách cho hộ nghèo”. Ông Kpuih Bai đề nghị.

Mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ia Puch quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân về xây dựng khu vực biên giới; đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, sắp xếp ổn định dân cư, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện./.

Bích Thủy, Cao Duy

 

 


Lượt xem: 273

Trả lời