Khó khăn trong việc thu hồi vốn vay chương trình 167

Cập nhật 02/6/2016, 13:06:14

Từ chỗ hiểu chưa đúng cụm từ “Ân hạn” là như thế nào nên rất nhiều hộ dân vay vốn làm nhà theo chương trình 167 của Chính Phủ đã không có sự chuẩn bị cho việc trả lãi của mình sau thời gian ân hạn. Cụ thể là năm 2009 Chính Phủ đã triển khai chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo. Trong đó, người dân được nhà nước cho 7 triệu đồng, còn Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 8 triệu. Thay vì thu lãi hàng tháng thì ngân hàng ân hạn trong 5 năm, nghĩa là toàn bộ số tiền lãi trong 5 năm đầu sẽ dồn lại trả sau. Tuy nhiên, người dân nghĩ rằng 5 năm đầu ân hạn là không tính lãi nên đến khi nhận được thông báo trả lãi vay, nhiều người không có sự chuẩn bị dẫn đến công tác thu nợ cho vay làm nhà theo chương trình 167 đang gặp rất nhiều khó khăn. Phóng sự sau đề cập rõ hơn về vấn đề này.

 

 

Không riêng gì trường hợp chị Byem nợ quá hạn mà hiện nay phần lớn bà con đều chưa trả được cả tiền lãi lẫn tiền gốc

Ngôi nhà của chị Byem được xây từ năm 2009 theo chương trình 167 của Chính phủ về hỗ trợ làm nhà cho người nghèo. Ngoài số tiền 7 triệu đồng được nhà nước hỗ trợ, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Đoa cho vay 8 triệu đồng và được ân hạn trả lãi trong 5 năm. Thay vì đúng theo quy định năm 2014 chị phải trả lãi sau 5 năm ân hạn và trả 1/5 tiền gốc, tức là 1 triệu 6 trăm ngàn đồng. Thế nhưng, đến nay mặc dù đã quá hạn nhưng chị Byem cho biết mình vẫn chưa trả được đồng nào.

Chị Byem, làng Chăm Prông, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa cho biết: “Mình không có tiền, không đủ ăn, cần tiền để mua gạo. Khi nào có tiền thì trả”.

Xã Ia Băng có tổng cộng 330 ngôi nhà được làm theo chương trình 167. Không riêng gì trường hợp chị Byem nợ quá hạn mà hiện nay phần lớn bà con đều chưa trả được cả tiền lãi lẫn tiền gốc. Được biết đến nay chỉ một vài hộ đã trả được tiền gốc, còn tiền lãi sau 5 năm ân hạn chưa trả.

Ông Ksor Jar. Trưởng thôn Chăm Prông, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa cho biết: “Bà con ở đây cũng khó khăn trong việc trả lãi chương trình 167, đến kỳ trả lãi bà con không chuẩn bị trước nên khi đến hạn bà con phải đi vay mượn của người khác để trả lãi cho chương trình 167”.

Số liệu của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đăk Đoa, tổng dư nợ cho vay của Chương trình 167 là xấp xỉ 12 tỷ đồng, với 1.496 hộ. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới thu nợ được 285 triệu đồng của 141 hộ.

Ông Nguyễn Văn Ngọc. Phó Giám đốc  Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đăk Đoa cho biết cụ thể: “Những hộ dân vay vốn 167 đa số thuộc hộ nghèo, không có nhà ở, về vấn đề trong thời gian người ta sử dụng vốn để người ta xây nhà thì kinh tế phát triển cũng không được tốt, cho nên thu nhập không có nên trả nợ cũng hơi khó khăn. Về vấn đề thứ 2, cũng là một nguyên nhân nữa là hồi trước do thời hạn ân hạn 5 năm đầu chưa nộp lãi thì dẫn đến 1 số hộ vay người ta hiểu nhầm là 5 năm đầu không nộp lãi, cho nên đến đầu năm thứ 6 thu lãi người ta bị bất ngờ nên nhiều hộ không chịu nộp dẫn đến tình hình thu lãi gặp khó khăn”.

Từ những khó khăn trong việc thu hồi nợ của Chương trình 167 giai đoạn 1, nhiều ý kiến cho rằng chương trình 167 triển khai ở giai đoạn 2 không nên ân hạn 5 năm như ở giai đoạn 1 mà định kỳ hàng tháng vẫn thu lãi và sau năm 5 sẽ bắt đầu thu tiền gốc theo phân kỳ. Vì việc dồn lãi trong 5 năm đối với bà con sẽ gặp nhiều khó khăn trong khi đối tượng của chương trình lại là hộ nghèo, điều kiện kinh tế rất khó khăn nên việc tích lũy tiền hoàn toàn không khả thi./.

Hồng Uyên – Thanh Sáng


Lượt xem: 122

Trả lời