Khó khăn trong việc thu hồi vốn vay chương trình 167

Cập nhật 05/8/2016, 08:08:33

Chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ triển khai từ năm 2009, đến nay sau gần 7 năm thực hiện, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ. Nguyên nhân là do người dân hiểu sai về cụm từ ân hạn, mặt khác nhiều bà con chủ quan, không có kế hoạch tích lũy, tiết kiệm nên khi đến kỳ trả nợ, hầu hết đều không đủ khả năng. Phóng sự thực hiện tại huyện Ia Pa

Chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ triển khai từ năm 2009, đến nay sau gần 7 năm thực hiện, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ. Nguyên nhân là do người dân hiểu sai về cụm từ ân hạn, mặt khác nhiều bà con chủ quan, không có kế hoạch tích lũy, tiết kiệm nên khi đến kỳ trả nợ, hầu hết  đều không đủ khả năng. Phóng sự thực hiện tại huyện Ia Pa.

5.8 khokhanthuno

Đối tượng hỗ trợ cho vay làm nhà theo Chương trình 167 là hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn

Khác với các chương trình cho vay khác, hộ vay trả lãi hàng tháng, Chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167 lại áp dụng hình thức ân hạn trong 5 năm đầu tiên, tức là lãi suất được cộng dồn lại sau 5 năm mới trả. Số tiền lãi trong 5 năm tổng cộng là 1,2 triệu, cộng thêm 1,6 triệu đồng tiền gốc của phân kỳ đầu. Như vậy, tổng cộng là 2,8 triệu đồng. Thay vì phải trả tổng cộng 2,8 triệu đồng, nhưng hiện tại chị Rmah Tai ở thôn Marin 2, xã Iamarơn, huyện Ia Pa chỉ mới trả được tiền lãi, vẫn còn nợ tiền gốc.

Chị Rmah Tai,thôn MaRin 2, xã Iamarơn, huyện Ia Pa cho biết: “Gia đình nghèo làm không đủ ăn nên đến lúc trả nợ cũng gặp khó khăn lắm. Mình mới trả lãi thôi, còn tiền gốc khi nào có sẽ trả”.

Đó cũng là thực trạng chung của nhiều hộ khác; không chỉ ở Ia Pa mà các địa phương trong tỉnh đều đang gặp khó khăn khi thu nợ Chương trình 167. Hầu hết bà con không có khả năng cùng lúc trả cả lãi của 5 năm ân hạn và phân kỳ đầu tiền gốc. May ra, có hộ chỉ trả được tiền lãi, còn lại tiếp tục nợ tiền gốc. Số liệu của phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ia Pa, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 là hơn 2,5 tỷ đồng. Đến nay sau hai năm triển khai, số tiền thu nợ chỉ mới đạt 167 triệu đồng trong khi đó theo kế hoạch cả tiền lãi và tiền gốc phân kỳ đầu phải đạt con số trên 900 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện Ia Pa cho biết: “Hiện nay công tác thu nợ của Chương trình 167 gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân một phần do điều kiện kinh tế của bà con khó khăn, mặt khác bà con chủ quan trong việc trả nợ, nhiều hộ còn nghĩ ân hạn là không tính lãi. Vì vậy đến kỳ thu nợ bà con không chuẩn bị tiền để trả”.

Từ thực trạng trên, chúng ta đặt lại câu hỏi, vậy liệu rằng áp dụng hình thức ân hạn có phù hợp không? Bởi đối tượng hỗ trợ cho vay làm nhà theo Chương trình 167 là hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, mặt khác phần lớn bà con không có thói quen tích lũy, dành dụm nên khi cộng dồn lãi trong nhiều năm thì bà con gặp khó khăn trong việc trả nợ cũng là điều dễ hiểu. Theo ý kiến của bà con thì nên thu lãi định kỳ hàng tháng, mỗi tháng chỉ phải đóng 20.000 đồng tiền lãi thay vì dồn lại thì sẽ khả thi hơn.

Chị Nay H’Nuy, thôn Marin 2, xã Iamarơn, huyện Ia Pa nói: “Gia đình khó khăn nên trả cùng lúc không có tiền, chia ra trả nhiều lần thì ít hơn”.

Chương trình cho vay hộ nghèo làm ở nhà ở giai đoạn 2 đang chuẩn bị bắt đầu. Được biết, ở giai đoạn 2, nhà nước không hỗ trợ mà toàn bộ là tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay 25 triệu đồng/hộ. Lần này, mức vay cao hơn nên hình thức cho vay, thu lãi cần phải được tính toán cho phù hợp. Những khó khăn, vướng mắc phóng sự vừa đề cập được xem là những kinh nghiệm để tránh lặp lại ở giai đoạn 2.

 

 

Hồng Uyên – Thiên Thanh, Thanh Sáng

 


Lượt xem: 454

Trả lời