Khi nông dân biết khát vốn

Cập nhật 09/8/2019, 16:08:44

Tuy mức vay các chương trình tín dụng chính sách không lớn, nhưng nếu người dân biết vận dụng, đầu tư đúng mục đích thì cơ hội thoát nghèo không khó. Trên thực tế, rất nhiều hộ đã nhanh chóng thoát nghèo nhờ sử dụng có hiệu quả vốn vay các chương trình tín dụng chính sách. Qua đó cho thấy, trong điều kiện nguồn vốn chính sách không thiếu, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, vậy chỉ cần người dân thật sự khát vốn và đầu tư đúng mục đích thì con đường thoát nghèo chỉ là vấn đề thời gian và quyết tâm của người dân. Phóng sự thực hiện tại huyện Chư Pah.

Với 2 ha cà phê, 2 ha cao su, tuy những năm gần đây giá cả của cả hai loại sản phẩm này đều giảm thấp, song mỗi năm cũng mang lại cho gia đình anh Rơ Chăm Khái nguồn lợi nhuận trên dưới 50 triệu đồng.

Anh Khái bắt đầu tìm đến nguồn vốn tín dụng chính sách từ năm 2014 với số tiền ban đầu là 10 triệu đồng để mua phân bón chăm sóc vườn cà phê hơn 1ha. Khởi nghiệp với số tiền 10 triệu đồng là con số khá khiêm  tốn, song nhờ chịu khó làm ăn, biết tính toán chi tiêu nên cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn phần nào và năm 2017, gia đình anh được công nhận thoát nghèo. Mới đây, anh Khái lại mạnh dạn vay thêm 70 triệu đồng để đầu tư vào cà phê, cao su và phát triển chăn nuôi với hy vọng đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên.

Anh Rơ Chăm Khái- Làng Bloi, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Tuy vốn vay của NHCSXH ban đầu ít, chỉ 10 triệu đồng nhưng nhờ đó mình có cái đầu tư rồi từ từ mới tích lũy được. Chứ nếu không thì bà con không biết xoay sở thế nào, vay ngoài thì lãi cao”.

Hộ của chị Trần Thị Lơ ở Thôn 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah cũng là một điển hình về sử dụng vốn vay hiệu quả. Năm 2018, thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm, gia đình chị Lơ được vay 30 triệu đồng để đầu tư mô hình nuôi gà thả vườn. Kết hợp trồng cà phê với nuôi gà, vừa giúp gia đình tăng thêm thu nhập, đồng thời lại giảm chi phí về phân bón cho vườn cà.

Chị Trần Thị Lơ- Thôn 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah, Gia Lai nói: “Gia đình tôi làm theo mô hình lấy ngắn nuôi dài. Cà phê thì 1 năm mới cho thu hoạch, còn nuôi gà thì gần như hàng ngày. Hầu như ngày nào cũng có gà cung cấp ra thị trường. Nuôi theo hình thức thả vườn như thế này nên cũng được giá hơn”.

Anh Khái, chị Lơ chỉ là hai trong số hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Chư Pah nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã được thoát nghèo. Tính đến nay dư nợ tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pah đạt 290 tỷ đồng, giúp cho hơn 2.115 hộ nghèo, gần 2.700 hộ cận nghèo và 739 hộ mới thoát nghèo tiếp cận vốn vay. Trong vòng 4 năm, từ năm 2015 đến năm 2018, vốn vay tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 18,93% năm 2015 xuống còn 15,41% vào cuối năm 2018.

Ông Thái Trọng Bình- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Pah, Gia Lai  cho biết: “Những năm qua thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần rất tích cực trong công tác XĐNG trên địa bàn huyện. Riêng đối tượng là Hội viên Hội CCB có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn vay, từ đó có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên trong cuộc sống”.

Không chỉ góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, một trong những kết quả rất đáng ghi nhận các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội là đã góp phần ngăn chặn tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở địa bàn nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm nghèo bền vững ở các địa phương.

Hồng Uyên, Minh Trí


Lượt xem: 30

Trả lời