Khám chữa bệnh an toàn trong tình hình dịch Covid-19

Cập nhật 24/4/2020, 14:04:19

Những ngày qua, Việt Nam liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm Covid – 19 mới. Thế nhưng vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn, tuyệt đối không được chủ quan. Do đó, các cơ sở y tế phải quán triệt tinh thần coi người đến khám là người có nguy cơ lây nhiễm để có giải pháp đảm bảo an toàn cho người khám, người tới khám và tất cả mọi bệnh nhân, nhân viên trong cơ sở y tế.

Ghi nhận bệnh nhân đến khám bệnh tại một số cơ sở y tế trong những ngày vừa qua giảm hẳn từ 30 cho đến 50%. Điều đó chứng tỏ người dân đã ý thức được mình cần hạn chế tiếp xúc – một trong 5 điều cần làm ngay để phòng chống dịch bệnh Covid – 19. Mặc dù bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm  nhưng các bệnh viện vẫn phải tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, triển khai công tác chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng y bác sĩ, khuyến khích người bệnh nên gọi điện trước để được tư vấn trước khi đến bệnh viện.

Bác sĩ Vũ Hạnh Nguyên, Trưởng khoa khám – TTYT Tp. Pleiku cho biết: “Trong quá trình khám mình hướng dẫn bệnh nhân hạn chế tới bệnh viện. Một số bác sĩ cũng đã cung cấp số điện thoại có gì tư vấn hướng dẫn bệnh nhân qua số điện thoại khi nào đến bệnh viện khám. Trường hợp bệnh nhân gọi điện cho bác sĩ cũng thỉnh thoảng vì thuốc mãn tính thường người ta uống từ lâu rồi nên không có vấn đề gì khó khăn trong cấp thuốc mãn tính dài ngày. Nhưng mà có một số bệnh nhân theo Chỉ thị giãn cách xã hội nên họ cũng gọi điện trước là tới khám được không bác sĩ? Nhiều bệnh nhân qua tư vấn họ thực hiện nghiêm túc”.

Còn đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai nếu trước kia luôn trong tình trạng quá tải với khoảng 1000 bệnh nhân đến khám mỗi ngày thì nay chỉ còn khoảng vài trăm bệnh nhân, giảm 1/3. Tuy nhiên, đơn vị vẫn thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân luồng người bệnh, yêu cầu khai báo y tế trong phòng chống dịch Covid – 19. Qua nhiều ngày triển khai, cơ bản người dân đã nâng cao ý thức phòng bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Hùng Minh, Trưởng khoa khám – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cũng cho biết: “Đa số bệnh nhân đi khám ở bệnh viện đôi khi rất là ái ngại vì người ta không biết là khi đi khám bệnh sự lây nhiễm Covid – 19 rất là sợ vì họ có yếu tố nguy cơ bệnh về miễn dịch. Người ta đến khám bệnh chúng tôi đã giải thích và người ta đi khám rất đầy đủ đúng theo giấy hẹn của bác sĩ khoa khám.

Việc áp dụng công nghệ thông tin thì bệnh viện cũng đã có hướng, chúng tôi cũng đã bắt đầu, cố gắng làm sao triển khai được công nghệ thông tin này để bệnh nhân trước khi đi khám đăng ký qua hệ thống khám bệnh để khỏi phải lấy số”.

Ngoài ra, người dân nên gọi điện trước cho bác sĩ để được tư vấn trước khi đến bệnh viện, tránh tập trung đông người. Các bệnh viện  đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân trong khám chữa bệnh. Đây cũng là một trong những giải pháp được xem là khám chữa bệnh an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid – 19. Tuy nhiên cả hai giải pháp trên đều chưa được nhiều người áp dụng.

Ông Văn Thành Tâm, Trưởng phòng CNTT – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết: “Dịch vụ đăng ký từ xa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện từ tháng 12/2019. Mặc dù đã triển khai như thế nhưng người dân vẫn chưa có thói quen đăng ký khám chữa bệnh từ xa đối với một tỉnh như chúng ta cho nên hoạt động khám chữa bệnh từ xa vẫn chưa thực sự mạnh lắm”.

Mặc dù dịch bệnh có phần lắng xuống, nhưng đòi hỏi các cơ sở y tế vẫn phải tiếp tục thực hiện tốt việc chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, nhất thiết phải kiểm soát được dịch bệnh. Kiểm soát ở đây được đặt trong bối cảnh dịch bệnh có thể sẽ kéo dài và hoàn toàn có thể sẽ có  những ca bệnh mới. Khi xác định như thế, bản thân mỗi cơ sở y tế sẽ có những giải pháp tốt nhất nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân cũng như đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện./.

Lệ Xuân, Kim Châu, Huy Toàn


Lượt xem: 61

Trả lời