Ia Pa phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Cập nhật 15/4/2020, 08:04:13

Mặc dù chính quyền các cấp đã có nhiều biện pháp mạnh tay, nhưng tín dụng đen vẫn còn len lỏi, hoành hành tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Để đẩy lùi tình trạng này, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đẩy mạnh nguồn vốn vay tín dụng chính sách xuống tận cơ sở, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các gói vay ưu đãi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từ đó không còn lệ thuộc vào việc vay các nguồn vốn trôi nổi ngoài xã hội với nhiều rủi ro khó lường.

Trước đây do nghèo khó nên mỗi khi cần tiền để trang trải cuộc sống hay mua giống cây trồng, phân bón…., vợ chồng Rơ Ô H’Ngunh đều phải vay tiền ở ngoài với lãi suất cao. Cuộc sống cứ thế mãi luẩn quẩn trong đói nghèo, thiếu thốn.

Năm 2015, vợ chồng Rơ Ô H’Ngunh được tiếp cận, vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa. Có vốn lại được chính quyền địa phương chuyển giao khoa học kỹ thuật, vợ chồng đã mạnh dạn mua bò, trồng mỳ để phát triển kinh tế. Nhờ bản tính cần cù, chịu khó làm ăn, vài năm sau, gia đình đã trả hết nợ ở ngoài và đến năm 2018 đã thoát khỏi diện hộ nghèo.

Chị Rơ Ô H’Ngunh – Thôn Hlil 2, xã Ia Mrơn, Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Vay bên ngoài thì lãi suất rất cao, có khi mình bán lúa, bán mỳ cho họ thì bị hạ giá, ép giá. Giờ có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách cho vay thì gia đình phát triển kinh tế rất tốt, lãi suất thấp, đỡ hơn”.

Để người dân không tìm đến nguồn vốn tín dụng đen, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ia Pa đã cử cán bộ bám sát buôn, làng, đẩy mạnh tuyên truyền để bà con mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ đó đến nay, tỷ lệ người dân tiếp cận rồi vay vốn ngày một tăng.

Ông Ksor Yố – Thôn Hlil 1, xã Ia Mrơn, Ia Pa, Gia Lai bày tỏ: “Cảm ơn ngân hàng vừa rồi cho gia đình mình vay 70 triệu đồng để phát triển kinh tế. Bây giờ mình sẽ mua bò, trồng mít rồi khoan giếng để có nước tưới cho cây trồng. Có vốn rồi giờ chỉ yên tâm làm ăn, xóa đói giảm nghèo thôi”.

Theo thống kê của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ia Pa, tính đến đầu tháng 4.2020, trên địa bàn huyện đã có 7.915 hộ tiếp cận với các nguồn vay mà ngân hàng triển khai với tổng dư nợ hơn 269 tỷ đồng. Riêng Quý I năm 2020, hơn 40,5 tỷ đồng đã được giải ngân với 1.020 hộ vay để phát triển kinh tế.

Ông Trần Ánh Tôn – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Rà soát nhu cầu vốn của từng hộ vay trên danh sách hộ nghèo, cận nghèo hàng năm; đồng thời ngân hàng năm trên danh sách đó để chủ động bổ sung nguồn vốn, từ đó phân bổ kịp thời đến cho người vay, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế, từng bước đẩy lùi tình trạng tín dụng đen”.

Ông Huỳnh Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, Gia Lai cũng khẳng định: “Mặc dù ngân sách kinh phí còn nhiều khó khăn, song huyện mỗi năm đã ủy thác khoảng 1 tỷ cho ngân hàng để cho vay hộ nghèo, đối tượng cận nghèo. Tuy nhiên trong vòng 2 năm trở lại đây thì nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện từ nguồn mà Trung ương, tỉnh cấp về thì đã đáp ứng được yêu cầu; do đó sắp tới thì huyện có chủ trương điều chỉnh nguồn vốn này sang hỗ trợ cho phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ở các xã chuẩn bị đạt chuẩn NTM”.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Ia Pa, trong đó có Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, năm 2019, tại địa phương đã có 801 hộ thoát nghèo với 689 hộ  dân tộc thiểu số. Đây là kết quả đáng mừng cho thấy những giải pháp mà huyện Ia Pa triển khai bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt, qua đó từng bước đẩy lùi nạn tín dụng đen./.

Đoàn Bình, Minh Trí


Lượt xem: 76

Trả lời