Ia Kreng, huyện Chư Pah khó khăn trong công tác giảm nghèo

Cập nhật 04/7/2018, 14:07:38

Là một xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn, nằm ở địa bàn xa nhất của huyện Chư Pah, xã Ia Kreng có tới gần 96% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã  triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp nhân dân thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Song, theo cách tiếp cận nghèo đa chiều, xã Ia Kreng vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn trong công tác kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Về làng mới từ năm 2005 theo chương trình tái định cư phục vụ công trình Thủy điện Sê San 3A, 249 hộ dân của làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah đã dần ổn định. Tuy nhiên, do phong tục tập quán canh tác còn lạc hậu, thu nhập thấp nên đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Bà Rơ Châm Long, Làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Pa cho biết:  “Ra đây rồi, dân ở đây cũng đỡ hơn tí thôi, không phải như hồi xưa. Hồi xưa khổ hơn ở đây; đi làm rẫy cũng xa, nhà cửa thì không có. Giờ nhà nước ủng hộ xây nhà nên người ta mới dọn về đây.”

Đất sản xuất không có, bà con ở đây chỉ biết trồng mỳ, bời lời và cây điều. Phần lớn là đất sỏi, đá nên cây trồng cho năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân ở Ia Kreng không có thêm ngành nghề khác nên thu nhập bình quân của xã đến nay mới đạt khoảng 9 triệu đồng/người/năm.

Ông Rơ Châm H’ Nhau, Trưởng thôn làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah nói: “Cuộc sống của bà  con hôm nay cũng trồng mỳ, đa số làm chỉ đủ ăn mà thôi. Có một số nhà có 8 – 9 sào nhưng chia ra thì cũng không đủ ăn”.

Do đời sống khó khăn nên việc huy động các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hầu như không có gì. Vì vậy, đến nay xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất đó là  thu nhập – tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Phạm Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng, huyện Chư Pah cho biết:  “Để khắc phục vấn đề xóa đói giảm nghèo, chúng tôi cũng đã hướng dẫn nhân dân tận dụng mọi đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng những loại cây có giá trị kinh tế vào sản xuất. Những năm qua, chúng tôi đã tận dụng được nguồn đất đai cũng như nước tưới, chuyển đổi sang trồng một số loại cây có giá trị kinh tế như cây cà phê, cây ăn quả… được Nhà nước đầu tư đang triển khai dự án nuôi cá lồng, cũng như dự án khoa học công nghệ đưa cây chuối rừng vào để sản xuất”.

Với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 96% số dân, thì việc để thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã Ia Kreng là việc làm khá nan giải. Ngoài sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, thì công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã Ia Kreng còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi hộ gia đình nơi đây. Do đó, bản thân mỗi gia đình cần phải có quyết tâm, ý chí, tranh thủ các nguồn hỗ trợ để nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Có như vậy, tình trạng tái nghèo mới không phát sinh, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xóa đói giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới./.

Bích Thủy, Đặng Trà


Lượt xem: 173

Trả lời