Huyện Ia Grai: Mong mỏi xây dựng đền tưởng niệm tại đồi Chư Nghé

Cập nhật 09/5/2018, 07:05:58

Sau 45 năm kể từ ngày cứ điểm Chư Nghé tại Ia Krăi, huyện Ia Grai được giải phóng, di tích này đã và đang có dấu hiệu xuống cấp vì không được trùng tu, nâng cấp. Tuy nhiên điều đáng nói nhất đó là vẫn chưa có đài tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại đây. Mong mỏi được xây dựng đài tưởng niệm là nguyện vọng của cán bộ và nhân dân địa phương.

Làng Doch Kuế, xã Ia Krăi, huyện Ia Grai – Điểm dồn dân lập ấp của chế độ Mỹ ngụy những năm 1970 giờ yên ả, thanh bình. Tuy nhiên, tội ác của giặc Mỹ xâm lược vẫn sẽ mãi hằn in trong tâm trí của từng người dân nơi này.

Ông Ksor Lực – Già làng Doch Kếu, xã Ia Krái, hyện Ia Grai, Gia Lai nhớ lại: “Dồn dân ở đây như nhốt heo, phải như ở trong lồng, không cho đi làm ở đâu hết. Mình mà đi ra ngoài là sẽ bị đánh ngay, không được đi làm. Hồi đó khổ lắm, mình đi làm ban ngày, về muộn là sẽ chết vì dính mìn do họ cài mìn ở ngoài làng nên chỉ khoảng 3 giờ là phải về rồi. Thời đó ác liệt, khổ  lắm”.

 Và đây cũng là một trong những nguyên nhân hun đúc tinh thần yêu nước, quật khởi của quân và dân huyện Ia Grai nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung đứng lên đánh đuổi kẻ thù. Sau nhiều tháng chiến đấu ác liệt, mùa thu năm 1973, cứ điểm Chư Nghé, thuộc xã Ia Krăi – Nơi Tiểu đoàn 80 Biệt động quân biên phòng của quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ đã bị tiêu diệt. Để có được kết quả này, hơn 200 bộ đội, du kích mãi mãi nằm xuống, trong đó có gần 50 dân quân, du kích xã Ia Krăi và các xã lân cận hi sinh.

Ông Lơ Lan Hlinh – Chủ tịch UBMTTQ xã Ia Krái – huyện Ia Grai – Gia Lai cũng cho biết: “Lịch sử đồi Chư Nghé có giá trị rất lớn. Bao nhiêu hi sinh mất mát tại đây, có hàng trăm người dân chết, bộ đội hi sinh. Chính vì thế, chúng tôi rất mong muốn đồi Chư Nghé được ghi vào lịch sử”.

Ông Nguyễn Đức Tấn – Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Krái, huyện Ia Grai, Gia Lai nói: “Chính quyền địa phương và nhân dân rất mong muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng Đài tưởng niệm. Đây là giá trị đối với địa phương nói riêng, tỉnh nhà nói chung. Ngoài ra cũng có địa điểm để địa phương tưởng nhớ, thắp hương nhân ngày 27.7, là điều kiện để các thế hệ học sinh trong xã tưởng nhớ, ghi ân các anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh giải phóng dân tộc để có được như ngày hôm nay”.

Sau 45 năm kể từ ngày giải phóng, di tích Chư Nghé bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Và đặc biệt vẫn chưa có công trình tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại đây. Hàng chục năm nay, chính quyền và nhân dân xã Ia Krăi nói riêng, các xã phụ cận nói chung luôn mong mỏi Đảng bộ, chính quyền tỉnh Gia Lai và huyện Ia Grai quan tâm xây dựng đài tưởng niệm các liệt sỹ tại đồi Chư Nghé nhằm lưu giữ, tôn vinh những chiến công của cha anh đồng thời tri ân anh hùng, liệt sỹ và giáo dục các thế hệ cháu con về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc./.

Thu Thủy, R’Piên 

 


Lượt xem: 180

Trả lời